Năm lưu ý rút ra từ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên, trong bối cảnh không thuận lợi, và xét tổng thể, Mỹ tiếp tục mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Năm lưu ý rút ra từ Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN ảnh 1(Nguồn: aseanbriefing.com)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington vào tuần trước trong một hội nghị cấp cao đặc biệt để kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN.

Một hội nghị như vậy đã được lên kế hoạch trong một thời gian dài, được khởi động dưới thời chính quyền ông Trump nhưng bị hoãn lại do đại dịch COVID-19, và sau đó tiếp tục bị trì hoãn vào đầu năm 2022 do những khó khăn về lịch trình. Có thể thấy rõ có 5 điều đáng chú ý rút ra từ cuộc họp cho thấy sự can dự của Mỹ vào khu vực này.

1. Chính quyền Tổng thống Biden muốn tập trung vào Đông Nam Á

Điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng bản thân việc tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt đã là một sự đầu tư rất lớn về thời gian và nguồn lực cho Đông Nam Á. Việc lên lịch của hội nghị này cho thấy chính quyền ông Biden muốn duy trì động lực trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngay cả trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.

Bản thân Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã đáp ứng được kỳ vọng. Ngôn ngữ trong tuyên bố chung tương đối mạnh mẽ về các vấn đề mà Mỹ coi là ưu tiên, chẳng hạn như Ukraine, và bao gồm cam kết nâng tầm quan hệ Mỹ-ASEAN lên "đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 11 tới (cùng cấp quan hệ với Trung Quốc và Australia).

Hội nghị lần này cũng cho thấy rằng chính quyền ông Biden luôn dành sự quan tâm và ưu tiên cho các nước Đông Nam Á. Việc Tổng thống Biden bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN - một vị trí bị bỏ trống hơn 5 năm - là một điều tốt. Trong bài phát biểu trước khi diễn ra hội nghị tại Viện Hòa bình Mỹ, Điều phối viên Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell đã liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ coi trọng vai trò của ASEAN và muốn can dự vào Đông Nam Á theo các điều kiện của riêng mình, chứ không phải là để cạnh tranh với Trung Quốc.

2. Nhưng hội nghị thiếu một câu chuyện mạch lạc

Nhà Trắng đã công bố gói các sáng kiến mới trị giá 150 triệu USD cho ASEAN tại hội nghị này. Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số viện trợ mà Mỹ cung cấp cho Đông Nam Á - theo ước tính của Washington là 12,1 tỷ USD kể từ năm 2002, trong đó 800 triệu USD hỗ trợ song phương nằm trong ngân sách năm 2023.

Mặc dù vậy, các sáng kiến mới vẫn không gây được ấn tượng. Như các chuyên gia khu vực đã chỉ ra, 60 triệu USD tài trợ cho hợp tác hàng hải, đây là con số quá ít so với kinh phí được phân bổ cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á trị giá 425 triệu USD trước đó.

Và giống như khoản tài trợ 102 triệu USD được công bố tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-ASEAN vào năm 2021, Mỹ đang đầu tư một lượng tiền nhỏ vào các sáng kiến khác nhau, một ít trong số đó sẽ được chuyển giao thông qua các tổ chức của ASEAN.

[Hội nghị Mỹ-ASEAN: Cơ hội và thách thức dành cho ông Biden]

Các chủ đề bao gồm từ năng lượng sạch đến cơ sở hạ tầng, trồng rừng, không gian và giáo dục. Mặc dù xác đáng, song những chủ đề rời rạc này cho thấy Mỹ thiếu tầm nhìn về quan hệ đối tác với ASEAN. Chuyên gia Nhật Bản Tobias Harris đã đối chiếu điều này một cách hữu ích với sự tập trung rõ ràng hơn của Tokyo vào việc hỗ trợ sự phát triển kinh tế của ASEAN.

Không rõ liệu kết quả yếu kém này có phải là do sự thiếu sự quan tâm kịp thời đến hội nghị từ các nhà hoạch định chính sách cấp cao hay do đánh giá sai về những gì cần thiết để tạo ra tác động.

3. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ “đang không hoạt động tốt” ở Đông Nam Á

Ít nhất 3 nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra bình luận ở một mức độ nào đó chỉ trích đề xuất của Mỹ về việc thành lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và không có đề cập đến IPEF trong tuyên bố tầm nhìn chung.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngụ ý rằng sự tham gia của Mỹ trên mặt trận này còn thiếu và nói công khai rằng mặc dù Singapore hoan nghênh sáng kiến này, nhưng họ khuyến khích “ASEAN tham gia nhiều hơn vào IPEF và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ trực tiếp mời và lôi kéo các quốc gia thành viên ASEAN tham gia nỗ lực này."

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã kêu gọi Washington thông qua một chương trình nghị sự về thương mại và đầu tư “tích cực hơn.” Bộ trưởng Thương mại Malaysia nói rằng nước này vẫn cần quyết định liệu Kuala Lumpur sẽ tham gia trụ cột nào trong IPEF.

Bình luận của các nhà lãnh đạo cho thấy rằng IPEF đang “không hoạt động tốt” ở Đông Nam Á. Mỹ sẽ cần phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo hỗ trợ khu vực trước khi ra mắt IPEF vào cuối tháng 5 này tại Tokyo.

4. Sự can dự của Mỹ vào Đông Nam Á vẫn cần thời gian và sự lưu tâm

Các nước ASEAN phàn nàn về việc thiếu thời gian với tổng thống Mỹ tại hội nghị lần này. So với Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Sunnylands năm 2016 do ông Barack Obama chủ trì, bao gồm 2 phiên họp kín và một bữa tối, ông Biden chỉ có mặt tại 2 trong số 6 sự kiện tại hội nghị lần này.

Việc thiếu các cuộc gặp song phương với tổng thống rõ ràng đã khiến một số lãnh đạo không hài lòng, và đặc biệt đáng chú ý là ông Biden vẫn chưa thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhiều người đồng cấp của mình ở khu vực này. Kể từ khi nhậm chức, ông Biden chỉ tổ chức các cuộc gặp song phương với Indonesia và Singapore, trái ngược hẳn với ông Obama tại Sunnylands, người đã bước sang nhiệm kỳ thứ hai và đã lên lịch thăm 5 nước ASEAN.

Về mặt tích cực, việc tổ chức sự kiện này ở Washington cho phép các nhà lãnh đạo có các cuộc họp hiệu quả với Phó tổng thống Mỹ, các thành viên Quốc hội và các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng.

5. Hội nghị sẽ không tạo được bước chuyển lớn cho Mỹ ở Đông Nam Á

Cuối cùng, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh không thuận lợi, và xét tổng thể, Mỹ tiếp tục mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc ở Đông Nam Á. Những kết quả như vậy cho thấy Mỹ đánh giá thấp mức độ họ nhanh chóng để thua trong cuộc cạnh tranh này.

Washington cần phải chấp nhận rằng họ sẽ không nhận được sự tín nhiệm nào cho các khoản đầu tư và đóng góp lịch sử của mình khi những khoản này được coi là đang suy giảm tương đối. Mỹ sẽ cần đưa ra nhiều điều hơn so với những gì đã đề cập hồi tuần trước để đảo ngược các xu hướng bất lợi trong khu vực./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục