Nam Phi bị kiện vì không ngăn khí phát thải từ nhà máy điện, hóa dầu

Hai tổ chức bảo vệ môi trường vừa khởi kiện Chính phủ Nam Phi với cáo buộc nhà chức trách nước này không ngăn lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các nhà máy điện và hóa dầu.
Nam Phi bị kiện vì không ngăn khí phát thải từ nhà máy điện, hóa dầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymaverick)

Hai tổ chức bảo vệ môi trường vừa khởi kiện Chính phủ Nam Phi với cáo buộc nhà chức trách nước này đã không ngăn chặn lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các nhà máy điện và hóa dầu.

Dẫn thông báo ngày 10/6 từ nhóm luật sư đại diện cho phía nguyên đơn cho biết tổ chức bảo vệ môi trường groundWork và Vukani Environmental Justice Movement in Action đã khởi kiện Chính phủ Nam Phi lên Tòa thượng thẩm Pretoria vì đã không ngăn chặn Công ty điện lực Eskom và Công ty hóa dầu Sasol - hai doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, xả khí thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại tỉnh Mpumalanga, Đông Bắc nước này.

Trong thông báo, các luật sư nêu rõ 12 nhà máy điện than của Eskom và 2 nhà máy hóa dầu của Sasol tại Mpumalanga đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của cư dân địa phương, vi phạm quyền của người dân được quy định trong Hiến pháp nước này.

Trong khi đó, theo khảo sát của Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế Greenpeace thực hiện cuối năm 2018, mật độ khí nitrogen dioxide (NO2) thải ra từ các nhà máy điện và hóa dầu tại đây đã biến tỉnh Mpumalanga thành khu vực có không khí ô nhiễm nhất thế giới.

[Liên hợp quốc nhất trí quy định mới về cách tính lượng khí thải]

Ngoài NO2, mật độ sulfur dioxide (SO2), thủy ngân và bụi mịn từ những nhà máy này đã khiến hàng nghìn cư dân địa phương mắc bệnh liên quan đến môi trường từ hen suyễn kinh niên đến ung thư phổi cũng như một loạt vấn đề sức khỏe khác như sinh non, đột quỵ và suy tim.

Một khảo sát mới đây cũng cho thấy ô nhiễm không khí đã khiến hơn 600 cư dân địa phương tử vong sớm.

Trước đó, hôm 27/5 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ký ban hành luật đánh thuế carbon nhằm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tại quốc gia ô nhiễm nhất châu Phi.

Nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường trên thế giới đánh giá cao động thái này của Chính phủ Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục