Ngân hàng Eximbank được chấp thuận triển khai dịch vụ mPOS

Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Eximbank triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ thông qua thiết bị kết nối với điện thoại di động (mPOS).
Ngân hàng Eximbank được chấp thuận triển khai dịch vụ mPOS ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mPOS)

Ngày 9/2, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 880/NHNN-TT cho phép Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai dịch vụ mPOS và thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán điện tử.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ thông qua thiết bị kết nối với điện thoại di động (mPOS) và được thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới dạng chứng từ điện tử (hóa đơn thanh toán điện tử) để giao nhận với khách hàng khi triển khai cung ứng dịch vụ mPOS.

Trong quá trình triển khai dịch vụ mPOS và thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán điện tử, Eximbank phải thực hiện đầy đủ các nội dung như: Tuân thủ đúng các quy định về phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng; các yêu cầu đối với máy mPOS tại Thông tư số 47/2014/TT-NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng.

Bên cạnh đó, Eximbank triển khai và thực hiện đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, quy trình bảo đảm an toàn thông tin khách hàng, hệ thống kỹ thuật thông suốt; thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và xử lý rủi ro nếu có phát sinh và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Eximbank phải quy định cụ thể, rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình giao dịch qua mPOS. Hướng dẫn kỹ cho khách hàng khi cung cấp dịch vụ; có trách nhiệm giải thích kịp thời thắc mắc, giải quyết khiếu nại theo các quy định hiện hành về thanh toán thẻ và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các rủi ro phát sinh (nếu có).

Hiện nay đã có một số ngân hàng triển khai dịch vụ này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục