Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 84 triệu USD ứng phó biến đổi khí hậu

Khoản vay 84 triệu USD này tập trung vào các nội dung thúc đẩy giao thông và năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí.
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 84 triệu USD ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1Đường phố Hà Nội ngập lụt sau trận mưa lớn. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) với tổng mức cam kết 84,4 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách chính sách đa ngành nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông và năng lượng xanh.

Khoản vay hỗ trợ ngân sách thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh có mục tiêu giúp củng cố và mở rộng những kết quả đạt được trong chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu 2016-2020 (SP-RCC). Khoản vay này hỗ trợ các chính sách tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, thực hành tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh giảm phát thải từ các phương tiện giao thông và phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết khoản vay mới tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra những thay đổi có tính đột phá để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu.

[Lý giải nguyên nhân ngập lụt tại những công trình xây dựng mới]

“Khoản vay này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục những thành công của chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời là cầu nối để chuyển sang giai đoạn mới với các chương trình biến đổi khí hậu sau năm 2020,” ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Khoản vay sẽ hỗ trợ các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu của Chính phủ thông qua nâng cao công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý hiệu quả đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung hỗ trợ bao gồm các chính sách giúp tăng cường công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (đặc biệt trong quy hoạch rừng và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long), xây dựng ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Khoản vay cũng sẽ tập trung vào các nội dung thúc đẩy giao thông và năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Các nội dung hỗ trợ bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông, thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu làm tiền đề cho việc thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu theo thỏa thuận Paris - Đóng góp Quốc gia tự quyết định được xây dựng năm 2016 và triển khai từ năm 2020.

Những cam kết này bao gồm mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2020-2030 hoặc 25% trong điều kiện có hỗ trợ quốc tế và các mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó yêu cầu lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào 90% kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn.

Khoản vay này cũng hỗ trợ Việt Nam đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua hỗ trợ ngân sách từ nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách giúp đối phó với đại dịch. Các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý rừng sẽ góp phần giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới liên quan đến động vật, trong khi tăng cường đầu tư cho quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng khí hậu sẽ bổ trợ cho gói kích cầu kinh tế hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng.

Trong thời gian qua, con người đang chứng kiến tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng, sự xuất hiện thường xuyên hơn các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử, từ cháy rừng cho tới nắng nóng kỷ lục ở châu Âu hay nạn châu chấu hoành hành ở vùng sừng châu Phi và giờ là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan khắp toàn toàn cầu.

Tất cả đều bắt nguồn từ những hoạt động của con người, từ hoạt động sống và sản xuất, giao thông... như chặt phá rừng để canh tác, khai thác tràn lan tài nguyên thiên nhiên, thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm...

Hoạt động của con người đã để lại hậu quả nặng nề cho thiên nhiên, làm mất cân bằng tự nhiên và phá hủy đa dạng sinh học, khó mà phục hồi nguyên trạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục