Ngành Y tế hướng tới xóa bỏ giới hạn về không gian khám, chữa bệnh

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm học hỏi kinh nghiệm.

Đến thời điểm này, mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam đã được phát triển rộng khắp toàn quốc với 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020…

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm học hỏi kinh nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, không chỉ chú trọng xây dựng mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, Bộ Y tế còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.

Cả nước hiện có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Ngành y tế đang tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế theo Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025,” tiếp tục triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020.”

Đặc biệt, Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn (Dự án 585) được triển khai từ năm 2013 đã và đang tạo ra bước đột phá của ngành Y tế.

Thông qua dự án 354 bác sỹ trẻ chuyên khoa I thuộc 10 chuyên ngành: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền đã được đào tạo, trong đó có 310 bác sỹ tại chỗ (bác sỹ của địa phương tham gia dự án) và 44 bác sỹ đã được biên chế tại các bệnh viện Trung ương (theo Dự án).

Đã có 151/354 bác sỹ chuyên khoa 1 của Dự án đã chính thức nhận nhiệm vụ tại 51 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nước ta. 195 bác sỹ đang tiếp tục được đào tạo bác sỹ chuyên khoa 1. Tám bác sỹ thuộc các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Nội tiết, Phụ sản Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ công tác tại địa phương trong thời gian 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam…

[Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật y học ngang tầm thế giới]

Những nỗ lực nhằm bao phủ hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, kỹ thuật cao ngay tại địa phương, cơ sở.

Nhiều ca bệnh khó, nhiều nguy cơ bệnh dịch đã được ngăn chặn, đẩy lùi ngay tại địa phương. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, với hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát tại cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm… đã góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Các cơ sở y tế đều được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận, cứu chữa bệnh nhân COVID-19 khi có yêu cầu…

Bộ Y tế cũng đã tích cực triển khai và nhân rộng mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình nhằm đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ. Các công nghệ y tế, kỹ thuật cao liên tục được cập nhật và chuyển giao từ Trung ương đến địa phương và tới cấp thấp hơn để hoàn thành ngày một tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau 5 năm triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh,” về cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những tiến bộ hết sức rõ rệt, từ người bảo vệ đến điều dưỡng, bác sỹ, giám đốc; từ cổng bệnh viện đến khoa khám bệnh, buồng bệnh, phòng mổ… kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa.

Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế được từng bước nâng lên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh…

Báo cáo Chỉ số PAPI công bố năm 2019 cho thấy chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018 (thang điểm 2,5); chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn (năm 2013 là 20%, năm 2016 là 17%, năm 2017 là 9%), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Bên cạnh đó, khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Oxfam cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Phần mềm trực tuyến khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế đã có tổng số trên 3,4 triệu lượt người được các bệnh viện khảo sát, các góp ý chân thành, tích cực của người bệnh và nhân viên y tế đã được hệ thống ghi nhận. Tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú do các bệnh viện tự khảo sát đến nay đạt 80,6%, rất thống nhất với kết quả khảo sát độc lập (http://chatluongbenhvien.vn).  

Ngành Y tế hướng tới xóa bỏ giới hạn về không gian khám, chữa bệnh ảnh 1Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Mới đây, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã khởi động Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở.

Dự án được triển khai trong 5 năm tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 126 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới là 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng.

Dự án sẽ xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện của 13 tỉnh; cung cấp trang thiết bị cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ y tế cơ sở về các nội dung như truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, với quan điểm phục vụ nhân dân nhanh nhất, gần nhất, để người dân được hưởng dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại cơ sở, Bộ Y tế tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở.

“Bộ sẽ kết nối trên toàn tuyến, tuyến tỉnh, huyện, xã; kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Phương thức kết nối hệ thống sẽ là 1 thầy thuốc trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã.

Cùng với đó, tuyến xã cũng sẽ được đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức chi trả với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân tuyến xã được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể.”

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ khai trương đề án khám chữa bệnh từ xa kết nối 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh hướng đến mục tiêu không còn giới hạn về không gian trong khám, chữa bệnh, tạo nên sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục