Ngoại trưởng Nga, Đức và Trung Quốc khẳng định việc ủng hộ JCPOA

Ngoại trưởng ba nước đều khẳng định tầm quan trọng cũng như sự ủng hộ đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động Chung toàn diện (JCPOA).
Ngoại trưởng Nga, Đức và Trung Quốc khẳng định việc ủng hộ JCPOA ảnh 1Toàn cảnh lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền trung Iran, cách thủ đô Tehran 190km về phía tây nam ngày 26/8/2006. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 21/9 cho biết những căng thẳng mới đây trên bán đảo Triều Tiên đã cho thấy tầm quan trọng của Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động Chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu tại một cuộc họp giữa ngoại trưởng Iran và ngoại trưởng của 6 cường quốc thế giới diễn ra bên lề khóa họp lần thứ 72 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ và sẽ bảo vệ JCPOA.

Cũng tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ ngăn cản những cường quốc khác như Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về việc chấm dứt chương trình hạt nhân.

[Hơn 80 chuyên gia hạt nhân quốc tế ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran]

Theo ông Gabriel, tất cả các cường quốc thế giới đều quan tâm đến việc duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran và cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để kéo dài hiệu lực của thỏa thuận này. "Sẽ là một bi kịch khi JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ vào thời điểm những quốc gia khác như Triều Tiên đang phát triển chương trình hạt nhân và chúng ta cần những thỏa thuận như vậy hơn bao giờ hết."

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tái khẳng định cam kết của Nga tham gia JCPOA và cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này.

Theo ông Lavrov, tại cuộc họp trên, các bên tham gia đã xem xét báo cáo mới nhất của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định việc Iran tuân thủ đầy đủ các điều khoản của JCPOA.

Tuyên bố nói trên của người đứng đầu ngành ngoại giao 3 nước Trung Quốc, Đức, Nga được đưa ra trong lúc Mỹ đang cân nhắc việc tiếp tục tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran cho dù Iran đã chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân theo những điều khoản của thỏa thuận trên để đổi lấy việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Hồi tháng 7/2015, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đã ký kết thỏa thuận JCPOA mang tính lịch sử tại Vienna (Áo) sau 18 tháng đàm phán khó khăn, theo đó Iran đã cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế về tài chính, kinh tế và dầu mỏ.

Tuy nhiên, thỏa thuận này lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Washington và Tehran.

Theo kế hoạch, vào tháng 10 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đưa ra đánh giá về việc Iran có tuân thủ các cam kết trong JCPOA hay không.

Nếu người đứng đầu Nhà Trắng ra quyết định phủ nhận, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định việc áp đặt trở lại những biện pháp trừng phạt đã được miễn trừ cho Iran theo thỏa thuận ký năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục