Người góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy,” bà Triệu Thị Sỉnh là một trong số ít những người Dao đỏ có thể may, thêu những bộ sắc phục dân tộc Dao đỏ công phu nhất, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Người góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ ảnh 1Trang phục của người Dao đỏ trong Lễ cấp sắc. (Nguồn: Thanh Hà/TTXVN)

Nghệ nhân Triệu Thị Sỉnh, người dân tộc Dao đỏ ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) là người đã may, thêu những bộ sắc phục dân tộc Dao đỏ, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ.

Năm nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đôi mắt bà Sỉnh vẫn còn tinh tường, đôi tay bà thoăn thoắt thêu trên những bộ trang phục của người Dao đỏ.

Đã có thâm niên 55 năm trong nghề thêu truyền thống, hiện nay, bà Sỉnh là một trong số ít người còn có thể thêu được bộ sắc phục thày Tào - một sản phẩm thêu tay khó nhất trong hơn chục sản phẩm thêu truyền thống của người Dao đỏ tại tỉnh Bắc Kạn.

Vừa kể về quãng thời gian 55 năm học và làm nghề thêu của mình, bà Sỉnh vừa mở hòm, tủ lấy ra từng thứ đồ nghề mà bà gìn giữ từ lâu cùng với những sản phẩm bà đã thêu. Các sản phẩm thêu đều ánh lên những sắc màu rực rỡ.

Ở các sản phẩm thêu của người Dao đỏ, thường màu chàm đen là màu chủ đạo, trên đó nổi bật các đường hoa văn thêu đa dạng, phức tạp như hình vuông, hình quả trám, hình tam giác, hình răng cưa, hình trái núi, tán cây, hình người, hình các vị thần linh, hình chim phượng hoàng, chim công, đại bàng, con rắn, con chó, con hươu, con ngựa…

Các sản phẩm thêu của bà Sỉnh thường có khoảng hơn 300 loại hình họa, hoa văn, đường thêu trong một sản phẩm. Ấy là chưa kể đến các hoa bạc, cúc bạc, đồng tiền bằng bạc và các loại quả len, gù len xanh, đỏ, vàng, chỉ kim tuyến óng ánh… được đính lên, làm cho bộ trang phục thêm rực rỡ.

Bà Sỉnh cho biết tất cả các hình họa này đều được thêu bằng trí nhớ và sự tưởng tượng của bà, hoàn toàn không có bản vẽ, không có mẫu để làm theo.

Đôi bàn tay thoăn thoắt thêu bộ trang phục, bà Sỉnh hồi tưởng, lúc còn bé, mỗi lần thấy mẹ thêu, bà đều lại gần để xem. Năm lên 10 tuổi, bà bắt đầu cầm kim tập thêu. Mẹ bà đã hướng dẫn từ cách cầm kim, chọn chỉ, xâu chỉ cho đến cách chọn màu, pha màu xen chỉ khi thêu cho từng loại hình họa như thế nào.

Những lúc rảnh rỗi hay lúc đi thả trâu, bà Sỉnh lại lấy chỉ ra thêu. Bà Sỉnh tập thêu từ những đường đơn giản đến phức tạp. Đầu tiên là thêu các đường thẳng, đường răng cưa, đường uốn lượn dích dắc; từ thêu các hình vuông, chữ nhật, tam giác, rồi mới chắp các hình đó lại; học thêu từ hoa chữ thập đến các loại hoa có cánh, tiếp đó là hình cây.

Theo bà Sỉnh, khó nhất là thêu hình các con vật và hình người, hình các vị thần linh.

Năm lên 14, 15 tuổi, bà Sỉnh bắt đầu học chế tác các nguyên liệu làm ra vải và chỉ thêu. Bà phải học từ cách trồng bông, kéo sợi, nhuộm, dệt thành vải rồi thêu ra sản phẩm; học cắt may các loại quần áo, mũ, giầy, thắt lưng, túi đeo, tạp dề, địu, cuối cùng là quần áo thầy Tào.

Ngoài may, bà còn phải học cách tết các gù len, quả len... Bà còn theo người lớn vào rừng tìm các loại rễ cây, lá cây về để nhuộm các màu chỉ thêu.

Đôi mắt nhìn xa xăm, bà Sỉnh cho biết thêm, bây giờ, mọi nguyên liệu vải, chỉ đều mua được dễ dàng ngoài chợ. Chỉ việc cắt may, khâu, thêu mà cũng thấy vất vả nên nhiều người trẻ không muốn học, không muốn làm.

Yêu cầu của kỹ thuật thêu là đường thêu phải khít sát nhau, mặt chỉ phải phẳng, thêu mặt trái nhưng lấy mặt phải nên đường thêu phải chính xác, mịn màng, không nổi mấu chỉ. Các hình họa phải cân đối, hình thù con vật và người phải đúng và nhìn chân thật…

Việc thêu hình hơn 60 vị thần linh trên áo thày Tào phải thẳng hàng dọc, hàng ngang, cùng kích cỡ, đúng khoảng cách, nhưng vẻ mặt phải khác nhau.

Bà nói: "Phụ nữ Dao ngày xưa là phải biết thêu thùa, may vá. Đó cũng là cách lưu giữ bản sắc dân tộc của người Dao đỏ mà ông bà, cha mẹ truyền lại."

Chỉ vào những đường thêu, các hoa văn, hình họa trên các sản phẩm thêu, bà Sỉnh nói say sưa về đặc điểm của những đường thêu khó trên gấu quần, tạp dề, ngực áo, khăn đội của bộ quần áo cô dâu người Dao, mũ gấp, lưng áo của thầy Tào...

Bà chia sẻ: "Tôi đã dạy thêu cho hơn hai chục người và đi các nơi để hướng dẫn thêu cho hàng trăm người, nhưng trong số họ cũng chỉ có vài người thêu thành thạo các loại quần áo thông thường. Một số người thêu được quần áo cô dâu người Dao, nhưng chưa thật đẹp. Riêng với quần áo dùng vào việc cúng lễ, chưa thấy ai thêu được tốt."

Bà Sỉnh trăn trở: "Mình cũng muốn truyền lại nghề cho thế hệ sau để bản sắc văn hóa, những bộ trang phục dân tộc có thể lưu giữ lại nhưng không có ai mặn mà với cái nghề tỉ mẩn công phu này. Con cháu trong nhà cũng không muốn học. Phụ nữ Dao ở Bản Cuôn giờ cũng chỉ có độ hơn 20% biết thêu những sản phẩm truyền thống. Những chị em có bàn tay thêu thùa khéo léo ở Bản Cuôn cũng đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, không biết lúc nào sẽ đem mũi chỉ đường kim về với tổ tiên. Mong sao có được những người trẻ giỏi giang để nối tiếp thế hệ chúng tôi."

Suốt 55 năm qua, bằng đôi bàn tay khéo léo, sự say mê và kiên trì sáng tạo, bà Sỉnh đã may, thêu rất nhiều bộ áo quần và các trang phục Dao đỏ cho các em, con, cháu, họ hàng xa gần.

Những sản phẩm thêu của bà Sỉnh đã theo chân người Dao đỏ Bản Cuôn 2 đi nhiều nơi, đến các ngày hội của xã, huyện, tỉnh, ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc.

Những sản phẩm may thêu độc đáo ấy thể hiện tâm hồn và bản sắc dân tộc của người Dao đỏ, cần được gìn giữ và phát huy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục