Nguy cơ 'vỡ trận' đào tạo sư phạm chất lượng cao tại Thanh Hóa

Tiên phong trong cả nước khi đào tạo sư phạm chất lượng cao và sẽ đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, nhưng Thanh Hóa đang đối diện nguy cơ 'vỡ trận' dự án khi đặt điểm chuẩn quá cao.
Nguy cơ 'vỡ trận' đào tạo sư phạm chất lượng cao tại Thanh Hóa ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Năm 2018, Thanh Hóa là tỉnh tiên phong của cả nước đưa ra Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm. Theo đó, tỉnh đặt hàng Đại học Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao, gồm Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn. Chỉ tiêu đào tạo là 20 sinh viên mỗi ngành.

Sinh viên sẽ được Đại học Hồng Đức đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Tỉnh sẽ đảm bảo phân công nơi làm việc cho các sinh viên này sau khi tốt nghiệp.

Yêu cầu được đặt ra là các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên.

“Khi xây dựng đề án này, chúng tôi tính tương quan trên điểm thi Trung học phổ thông quốc gia của năm 2017. Năm ngoái, Thanh Hóa có rất nhiều thí sinh đật từ 27 đến 30 điểm. Không thể ngờ điểm thi năm nay lại quá thấp so với năm ngoái, 24 điểm năm nay là một điểm số rất cao nên chúng tôi đang đứng trước nguy cơ khó khăn trong mở lớp chất lượng cao," Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An nói.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông An cho biết, với trên 83% thí sinh cả nước có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình, dù trường có ba tổ hợp xét tuyển cho ngành học này là Văn-Sử-Địa, Văn-Toán-Sử, Văn-Sử-Tiếng Anh, thì số thí sinh đã đăng ký có mức điểm 24 là rất hiếm hoi.

[Tỉnh Thanh Hóa đặt hàng đào tạo 80 chỉ tiêu ngành sư phạm]

“Ngành sư phạm chất lượng cao Lịch sử chắc chắn không thể mở được. Ngành Vật lý cũng như vậy. Riêng ngành Toán học thì đang bấp bênh, vì chỉ có khoảng 5 em được 24 điểm. Ngành Ngữ văn có khá hơn, được khoảng 10 em có điểm từ 24 điểm.”

“Tuy nhiên, 24 điểm của năm nay là một điểm số rất cao, nên cũng chưa chắc các em đã dừng chân với ngành sư phạm. Có thể các em lại điều chỉnh nguyện vọng đi các trường khác mất,” Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh An lo lắng nói.

Theo ông An, với đề thi khó hơn của năm nay thì chỉ tầm 21 điểm có thể tương đương mức 24 điểm của năm ngoái.

“Đáng lẽ khi làm đề án, chúng tôi không nên quy định một mức điểm cứng mà có thể linh hoạt hơn là bằng điểm sàn sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cộng thêm một số điểm nào đó, như 4,5 điểm chẳng hạn, thì sẽ đỡ khó khăn hơn,” Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh An phân tích.

Cũng theo ông An, việc điều chỉnh lại điểm số đầu vào của đề án đã công bố áp dụng năm nay có lẽ là không thể.

“Nếu số lượng thí sinh ít, chỉ được nửa lớp chúng tôi cũng sẽ vẫn làm. Đến giờ thì có thể nói tôi đã thua trong lần đầu xung trận,” ông An buồn bã nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục