Nhà lưu niệm tư nhân đầu tiên về Văn học Nga ở Việt Nam

Chiều 23/5, phường Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Lễ khánh thành Nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam” tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Nhà lưu niệm tư nhân đầu tiên về Văn học Nga ở Việt Nam ảnh 1Triển lãm “Những trang tình nghĩa” trích sưu tập “Văn học Nga ở Việt Nam” của nhà văn - dịch giả Hoàng Thúy Toàn. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Chiều 23/5, phường Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Lễ khánh thành Nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam” tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, do dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội sưu tập và xây dựng.

Tại lễ khánh thành Nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam,” dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn phát biểu nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam là tích lũy lao động một đời, là mơ ước nhiều năm của cá nhân ông.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn hy vọng những người cùng tâm huyết, có điều kiện, các cơ quan tiếp tục chung sức xây dựng để nơi đây trở thành điểm văn hóa in đậm màu sắc văn hóa Nga, văn học Nga ở Việt Nam.

Mặc dù cách xa nước Nga hàng ngàn vạn dặm, Nhà lưu niệm mang đến cho người xem cảm nhận như đang được sống trong nền văn học, văn hóa của nước Nga, có ý nghĩa lưu truyền và phổ biến những giá trị cao đẹp và phong phú của một nền văn hóa, văn học thuộc hàng lớn nhất thế giới cho thế hệ mai sau và vun đắp cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.

Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vladimir Shustov nhấn mạnh văn học như một phương tiện để hiểu và tiếp thu văn hóa của các nước khác. Nhà lưu niệm là nơi bảo quản di sản của nền văn học Nga, là nơi các bạn đang học tiếng Nga ở Việt Nam có thể giao lưu, mở ra những chân trời mới của nền văn hóa Nga đến người yêu mến nước Nga.

Nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam” gồm 2 tầng và chia làm 2 phòng, trưng bày các hiện vật quý giá được dịch giả dày công sưu tầm như sách, báo, tranh ảnh, các ấn phẩm và kỷ vật liên quan văn học Nga tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Đặc biệt có phần trưng bày với nội dung nghĩa tình: Bác Hồ với nước Nga, Đề tài nước Nga trong văn học Việt Nam, Đề tài Việt Nam trong tác phẩm của các tác giả Xô Viết, Liên bang Nga.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt-Xô và Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga (23/5/1950-23/5/2015).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Ðào Trọng Thi điểm lại những thành tựu nổi bật trong chặng đường 65 năm phát triển của Hội Hữu nghị Việt-Nga; nhấn mạnh, Hội ngày càng có nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực, góp phần quan trọng trong việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây cũng như nhân dân Nga ngày nay...

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Ðào Trọng Thi và Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublicov cùng bày tỏ tin tưởng, Hội Hữu nghị Việt-Nga sẽ luôn phát huy vai trò là nhịp cầu kết nối nhân dân hai nước, thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Liên bang Nga.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức cuộc thi Tìm hiểu kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga do Hội Hữu nghị Việt-Nga và Đài Tiếng nói nước Nga phối hợp tổ chức đã tổ chức trao các giải thưởng của cuộc thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục