Nhà thơ Thanh Tịnh tuy đã từ biệt thế gian mấy chục năm nay nhưng ông đã để lại những áng văn, thơ khó phai mờ trong lòng bạn đọc cũng như những giai thoại không thể quên trong những đồng chí, đồng đội và những người yêu quý ông. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Thanh Tịnh (1911-2011), đông đảo các văn sĩ ở mọi lớp tuổi không quản ngại trời đông lạnh giá đã đến kín hội trường của trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam để tưởng nhớ về ông. Nói theo cách của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: “Trời lạnh, nhà lại nhiều việc nhưng tôi vẫn đến với tấm lòng rất nhớ và rất quý trọng nhà thơ Thanh Tịnh. Mặc dù trong thời ông có nhiều người nổi tiếng nhưng ông vẫn là ngôi sao trong lòng chúng tôi.” Nhận xét về thơ ca của một bậc tiền bối, nhà văn Hồ Phương còn cho biết, phong cách, suy nghĩ và nghệ thuật của nhà thơ Thanh Tịnh không giống thơ trẻ bây giờ, đó là thời của thơ ca trong sáng, cổ điển không bao giờ có thể phủ định được. Nó có chiều sâu và rất Việt Nam. Thơ ông không ồn ào, sôi nổi mà thiên về sâu lắng. Tác phẩm nào của ông cũng chứa chan tình cảm. Đồng tình với nhà văn Hồ Phương, nhà thơ Lưu Khánh Thơ cho rằng, nhà thơ Thanh Tịnh xuất hiện và được “định vị” ngay trên thi đàn vào những năm đầu tiên của phong trào Thơ Mới. Những câu thơ lãng mạn, mang phong vị ngậm ngùi, buồn man mác đã làm xao xuyến trái tim bao người đọc ngay từ khi mới ra đời. Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, êm ái, cái đặc sắc của nó nằm ở những lời, những ý đậm đà hương sắc, cảnh vật của làng quê Việt Nam. Ngay cả khi Thanh Tịnh lấy cảm hứng từ câu chuyện bắt nguồn ở phương Tây thì bài thơ của ông vẫn toát ra một không khí rất Á Đông. Tuy nhiên, người đời không chỉ biết đến Thanh Tịnh qua những vần thơ mà ông còn được ngưỡng mộ bởi những trang văn xuôi hay và độc đáo. Lưu Khánh Thơ cũng đã khẳng định tài năng văn xuôi của nhà thơ Thanh Tịnh. Chị cho biết, Thanh Tịnh được biết đến rộng rãi hơn khi tập truyện ngắn “Quê mẹ” của ông ra đời vào năm 1941. Từ khi ra đời cho đến nay, “Quê mẹ” đã gắn liền với cuộc đời Thanh Tịnh và trở thành một dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật của ông. Truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông thi pháp văn xuôi độc đáo. Là một nhà thơ lãng mạn nên Thanh Tịnh đã mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng. Dường như tâm hồn ông gần gũi và ưa thích với những vẻ đẹp nhè nhẹ, những nét buồn lẳng lặng… Truyện ngắn của ông kể về một bến đò hiu hắt, một dòng sông với con đò dọc ẩn hiện những lời trao duyên tình tứ, về nỗi nhớ quê mẹ của một người con gái đi lấy chồng xa, về một nhà ga nho nhỏ giữa cánh đồng với con tàu bỏ lại đằng sau nó những hoài niệm của một tình yêu không bao giờ tới… Đọc truyện ngắn của ông, người ta ít nhớ đến cốt truyện mà chỉ nhớ cái không khí, cái dư vị quyến luyến, ngọt ngào có pha chút ngậm ngùi, buồn thương. Giáo sư Phong Lê cũng nhận xét, những truyện của Thanh Tịnh để lại trong lòng độc giả nhiều bùi ngùi và lưu luyến về những con người, những cảnh đời nơi một làng quê của miền Trung có tên là Mỹ Lý. Chỉ một tên làng mà chứa đựng biết bao thân phận, những thống khổ tận cùng của nhân gian, những buồn thương trước những mơ ước cực kỳ đơn sơ, bé nhỏ của những phận, những mối tình không thể thành để lại những xót xa cho phận người hay một thế giới của những phôi pha, lụi tàn và héo hắt… Khái quát lại cuộc đời văn, thơ của tác giả Thanh Tịnh, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh: “Văn học trước năm 1945, có ba nhà văn không chịu xếp mình vào khuôn khổ của sự phân loại đã thành lệ. Họ như đứng riêng ra thành một trường phái. Văn học không ly kỳ hay gay gắt về mặt cốt truyện, không khuyến dụ người ta đi tìm vào những cảnh hớ hênh của những cuộc tình ái hay những cảnh rùng rợn cứ tưởng tượng. Chữ nghĩa toàn lấy từ kho đồ cổ của các làng quê nhưng họ đủ tài năng để dựng lên nhưng cảnh khác thường từ những cái bình thường. Họ là nhà thơ trong văn xuôi là Thạch Lam, Hồ Dzếnh và Thanh Tịnh.”/.
Sáng ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Thanh Tịnh (1911-2011). Thanh Tịnh, trước hết được biết đến là một nhà Thơ Mới, tác giả tập thơ “Hận chiến trường” (1936) với hai bài “Mòn mỏi” và “Tơ trời với tơ lòng” được Hoài Thanh chọn đưa vào “Thi nhân Việt Nam” với lời bình. Ông lọt vào 45 nhà thơ được chọn và thuộc trong số người được chọn hai bài bởi vậy Thanh Tịnh được xếp vào "dàn đồng ca" Thơ Mới trước năm 1945, cùng vị trí với Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Yến Lan, Huy Thông… Ông còn nổi tiếng với các tập văn xuôi, trong đó, có tập truyện ngắn “Quê mẹ.” |
Thiên Linh (Vietnam+)