Nhân rộng mô hình bữa ăn học đường, giải bài toán kép về dinh dưỡng

Sau một năm triển khai, mô hình thí điểm về bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho thấy đã giải quyết được bài toán suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Nhân rộng mô hình bữa ăn học đường, giải bài toán kép về dinh dưỡng ảnh 1Học sinh tham gia mô hình với bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. (Ảnh: PV)

Với sự tác động toàn diện giữa bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, hoạt động thể chất tăng cường thể lực và giáo dục thay đổi nhận thức, mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam, năm học 2020-2021 (gọi tắt là mô hình điểm) có thể coi là “cuộc cách mạng” về dinh dưỡng học đường.

Đây là nhận định của các đại biểu tại hội nghị tổng kết mô hình thí điểm trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 9/10.

Thay đổi cả về chất và lượng

Theo Tiến sỹ Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án 641 về "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030," mô hình này đã làm thay đổi hoàn toàn vấn đề về dinh dưỡng học đường khi đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.

"Trước đây, chúng ta mới chỉ có các nghiên cứu riêng về dinh dưỡng hoặc riêng về thể chất. Mô hình điểm của bộ có cả hai yếu tố đó và còn làm tốt ở hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức đến tận gia đình và nhà trường," ông Chính nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng mô hình điểm đã đề cập tới cả ba vấn đề: Thể chất - dinh dưỡng - điều kiện thực hiện (bao gồm cơ sở vật chất, nhận thức của người thực hiện, truyền thông tới những người có liên quan,…).

“Đây chính là một dự án có ý nghĩa cách mạng về nâng cao tầm vóc người Việt. Tôi mong muốn mô hình với ba trụ cột này được nhân rộng trên địa bàn cả nước, coi nó như một chiến lược,” vị đại diện này cho hay.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai chương trình sữa học đường mở rộng ra toàn tỉnh và mở rộng đối tượng thụ hưởng đồng thời thực hiện gắn sữa học đường với mô hình bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh, nâng cao kỹ năng cho giáo viên và tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh.

Nhân rộng mô hình bữa ăn học đường, giải bài toán kép về dinh dưỡng ảnh 2Tại hội nghị tổng kết, các đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Được biết, mô hình thí điểm trên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm cho cấp học mầm non và tiểu học trong năm học 2020-2021. Đây là cách làm sáng tạo thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”.

Mô hình này là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh, nhằm giải quyết bài toán "gánh nặng kép" hiện nay ở Việt Nam, đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì.

Mô hình được thực hiện tại 10 trường thuộc 10 tỉnh/thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau) gồm 5 trường mầm non tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Nam; 5 trường tiểu học tại Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và An Giang.

Cần nhân rộng mô hình

Kết quả tổng kết dự án cho thấy mô hình thí điểm đều đạt và vượt so với các chỉ tiêu đã đặt ra. Cụ thể, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh. 95,4% phụ huynh học sinh được khảo sát cho biết đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ (ít nhất 60 phút theo khuyến cáo của WHO).

Từ những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định sự thành công của mô hình là nhờ sự vào cuộc của các chuyên gia và các bộ, ngành liên quan cũng như các thầy cô, cán bộ quản lý ở các địa phương thí điểm; đặc biệt là sự đồng hành rất có tâm vì trách nhiệm cộng đồng của Tập đoàn TH.

Nhân rộng mô hình bữa ăn học đường, giải bài toán kép về dinh dưỡng ảnh 3Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tặng hoa, bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của bà Thái Hương và Tập đoàn TH. (Ảnh: PV)

Cụ thể, Tập đoàn TH đã đồng hành khảo sát cơ sở vật chất của trường, địa phương, đề xuất phương án tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức bữa ăn cho giáo viên và nhân viên dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng hỗ trợ kinh phí cải thiện cơ sở vật chất bếp ăn, phòng tập, trang thiết bị cần thiết cho bữa ăn đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị luyện tập thể thao theo khuyến nghị của chuyên gia; hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các suất ăn ở những vùng khó khăn (mức đóng góp của phụ huynh rất thấp, chưa đủ chi phí cho các bữa ăn đạt chuẩn về calo, khẩu phần theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia).

Bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược tập đoàn TH bày tỏ: “Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai."

Bà Thái Hương cũng nhấn mạnh rằng kết quả thực nghiệm bữa ăn tại 10 tỉnh, thành thuộc 5 vùng sinh thái đã phát huy được lợi thế vùng, miền trong việc sử dụng thực phẩm tự nhiên tại địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp vùng. Mặt khác, mô hình này - thông qua bữa ăn học đường, cũng đã góp phần cân chỉnh cho bữa ăn trong gia đình, dinh dưỡng cho người Việt.

[Nữ doanh nhân nỗ lực lấp đầy “lỗ hổng” trong quản lý chất lượng sữa]

Trên cơ sở đó, bà Thái Hương và Tập đoàn TH cam kết tiếp tục đồng hành với chương trình để có thể triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước ở giai đoạn tiếp theo.

Đặt mục tiêu nhân rộng mô hình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội đồng thời nhấn mạnh bên cạnh sự hỗ trợ của các đơn vị như Tập đoàn TH, các địa phương cũng cần chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp tài trợ, truyền thông cho mô hình này để góp phần cải thiện bữa ăn học đường, tiến tới mục tiêu thay đổi tầm vóc con người Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục