Những bác sỹ mang quân hàm xanh nơi miền biên cương Tổ quốc

Bằng việc làm tận tụy, thiết thực, các bác sỹ ở Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia thuộc huyện biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang nhân lên niềm tin, tô thắm tình quân dân, tình đoàn kết với nước láng giềng.
Những bác sỹ mang quân hàm xanh nơi miền biên cương Tổ quốc ảnh 1Bác sỹ Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia khám bệnh cho người dân xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Gần 11 năm qua, hình ảnh những người bác sỹ mang quân hàm xanh ở Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia thuộc xã Vĩnh Gia - một trong những xã biên giới nghèo của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đã in đậm trong tâm trí nhân dân nơi đây.

Bằng những việc làm tận tụy, thiết thực, các anh đã nhân lên niềm tin, tô thắm tình quân dân, tình đoàn kết, hữu nghị bền vững với nước láng giềng ở miền biên cương Tổ quốc.

Bác sỹ mang quân hàm xanh

Đại úy Trịnh Đức Hiếu, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang), cho biết, Vĩnh Gia và Lạc Quới, là những xã biên giới nghèo nhất của huyện Tri Tôn, cũng là địa phương giáp ranh huyện Kiri Vong (tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia).

Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống không chỉ khó khăn về kinh tế, mà còn khó khăn cả về điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Theo Đại úy Trịnh Đức Hiếu, trước đây, địa phương chưa có trạm y tế. Từ trung tâm xã đến bệnh viện huyện phải đi gần 50km, do vậy mỗi khi bị ốm đau, người dân chỉ uống thuốc Nam hoặc chữa bằng cây, lá theo kinh nghiệm dân gian; bệnh nặng mới chuyển lên bệnh viện huyện.

Thấy được khó khăn của bà con, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã vận động hơn 500 triệu đồng từ các doanh nghiệp để xây dựng trạm xá.

[65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức]

Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2009, với 6 giường bệnh cùng đội ngũ y, bác sỹ là các chiến sỹ “mang quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Vĩnh Gia.

“Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia không chỉ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới và bộ đội, mà còn khám chữa bệnh cho nhân dân ở bên kia biên giới, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước" - Đại úy Trịnh Đức Hiếu khẳng định.

Ông Đặng Văn Thanh, người dân ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, từ nhà ông xuống Trạm y tế xã khá xa nên ông thường xuyên sang Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia để khám, điều trị bệnh, vừa thuận tiện lại ít tốn kém.

“Trước đây vì chưa có Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia, mỗi khi đau, ốm bà con chỉ ở nhà uống thuốc Nam để tự điều trị vì bệnh viện ở xa, đi lại khó khăn, tốn kém. Từ khi có Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia, không chỉ bà con xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn), Vĩnh Phú (Giang Thanh, Kiên Giang) mà cả người dân ở xã Tà Ô, huyện Kiri Vong, tỉnh Tà Keo (Campuchia) cũng rất phấn khởi vì không phải vất vả đi xa. Hơn nữa, các bác sĩ ở đây rất thân tình, chu đáo, khám bệnh nhiều lúc không lấy tiền mà còn cho thuốc về nhà”- ông Thanh vui vẻ nói.

Trạm xá của dân nghèo

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, với tinh thần trách nhiệm của người lính, bằng sự tận tâm với nghề, các bác sỹ, y tá mang quân hàm xanh của Trạm đã thực sự là người để các bệnh nhân gửi gắm niềm tin.

Những bác sỹ mang quân hàm xanh nơi miền biên cương Tổ quốc ảnh 2Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia địa chỉ tin cậy của bà con vùng biên giới Vĩnh Gia, Tri Tôn, An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tiếng lành đồn xa, giờ đây Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo nơi vùng biên giới tỉnh An Giang.

Thiếu tá, bác sỹ Phạm Văn Dũng, Phụ trách Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia, nhớ lại, thời gian đầu, chúng tôi còn bỡ ngỡ, bởi trước đó chỉ khám và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, giờ mở rộng đến nhân dân trong vùng nên chưa quen trong việc quản lý, cũng như tổ chức khám và chữa bệnh cho đông người. Nhưng dần dần mọi việc đi vào nề nếp, được nhân dân trong vùng tin tưởng.

Hiện nay, Trạm xá khám và điều trị cho gần 9.000 lượt người. Vào dịp cuối tuần, mỗi ngày có khoảng 50-70 lượt bệnh nhân từ 4 xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn), Vĩnh Phú (huyện Giang Thành-Kiên Giang) và xã Tà Ô (quận Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia) đến khám và điều trị.

Chị Nguyễn Thị Lành (trú ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia), phấn khởi chia sẻ: "Nhà tôi có ai bị bệnh đều đến trạm xá. Các chú bộ đội ở đây “mát tay” lắm."

Còn anh Chau Sam Sol, trú ở xã Tà Ô (huyện Kiri Vong, tỉnh Tà Keo, Campuchia) cho biết, nhà nghèo, không đủ tiền đi bác sỹ tư nên khi đau ốm gia đình anh đều sang Việt Nam để chữa trị, các bác sỹ bộ đội Biên phòng Việt Nam rất tốt, khám, chữa bệnh chu đáo, thăm hỏi nhiệt tình, nên cả nhà đều yên tâm.

Mới 6 giờ sáng, Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia đã mở cửa đón bệnh nhân đến khám. Thiếu tá, bác sỹ Phạm Văn Dũng cho biết, đa phần bà con đều muốn tranh thủ đến khám bệnh sớm để còn về làm ruộng nên Trạm xá đông bệnh nhân nhất vào buổi sáng sớm.

Bên cạnh việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con, cán bộ y tế của trạm còn lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, vận động nhân dân xây dựng môi trường sống đảm bảo, ăn, ở hợp vệ sinh, khi ốm đau phải kịp thời đến trạm y tế để các bác sỹ thăm khám, chữa trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục