Những 'thiếu sót' trong bản dự thảo tuyên bố chung của COP26

Giới quan sát nhận định rằng các cam kết là chưa đủ, và bản dự thảo hiện đang bị chỉ trích gay gắt vì không đặt ra những yêu cầu rõ ràng về sự hỗ trợ tài chính dành cho các quốc gia dễ bị thương.
Những 'thiếu sót' trong bản dự thảo tuyên bố chung của COP26 ảnh 1Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện ở Incheon, phía Tây Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo hãng tin Al Jazeera, Liên hợp quốc đã công bố bản dự thảo đầu tiên (dưới dạng PDF) về quyết định chính trị mà các quốc gia có thể sẽ đưa ra khi kết thúc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào ngày 12/11 tại thành phố Glasgow, Scotland.

Các nhà đàm phán đến từ gần 200 quốc gia sẽ thảo luận về bản dự thảo được công bố ngày 10/11 để đưa ra một tuyên bố chính thức cuối cùng trước khi hội nghị kết thúc.

Mặc dù bản dự thảo đã kêu gọi những cam kết mạnh mẽ hơn về vấn đề phát thải khí từ nay đến năm 2022, song giới quan sát nhìn chung nhận định rằng các cam kết là chưa đủ, và bản dự thảo hiện đang bị chỉ trích gay gắt vì không đặt ra những yêu cầu rõ ràng về sự hỗ trợ tài chính dành cho các quốc gia dễ bị tổn thương.

Tăng tốc mục tiêu giảm phát thải, nhưng chưa đủ…

Theo bài viết trên aljazeera.com, bản dự thảo tuyên bố chung đầu tiên về “quyết định khung COP” yêu cầu các quốc gia “xem xét lại và củng cố các mục tiêu 2030 về những đóng góp mà các quốc gia đã cam kết, phù hợp với mục tiêu về mức nhiệt mà Hiệp định Paris đặt ra từ nay đến cuối năm 2022.”

Hiệp định Paris được thông qua vào năm 2015 đặt mục tiêu duy trì sự gia tăng mức nhiệt trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C.

[Chuyên gia nước ngoài đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26]

Đây là lần đầu tiên bản dự thảo kêu gọi các quốc gia loại bỏ dần các trợ cấp của chính phủ dành cho lĩnh vực than đá và nhiên liệu hóa thạch.

Văn bản này cũng kêu gọi “một sự dịch chuyển dần sang phát thải khí bằng 0” và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài chính lớn, cân nhắc các nhu cầu của các quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.

Giới quan sát nhìn chung đã hoan nghênh cam kết loại bỏ than đá nhưng vẫn cho rằng các cam kết như vậy là chưa đầy đủ.

Tracy Carty, người đứng đầu phái đoàn COP26 của Oxfam, được Al Jazeera dẫn lời cho rằng bản dự thảo quyết định này “quá yếu.”

Bà nói trong một tuyên bố: “Văn bản này không có những cam kết rõ ràng nhằm gia tăng tham vọng về các mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Sự phát thải vẫn đang gia tăng chứ không hề giảm, và những cam kết hiện nay đang đi chệch hướng để mục tiêu này có thể đạt được.”

Lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tổn thương

Theo bài viết mới đăng trên theguardian.com, các quốc gia đang phát triển tại COP26 đã kêu gọi các các nước giàu đẩy mạnh hỗ trợ tài chính dành cho những quốc gia dễ bị tổn thương, nhấn mạnh rằng bản dự thảo mới được đưa ra đề cập quá ít về vấn đề này.

Các nước nghèo cho rằng văn bản cần tập trung nhiều hơn đến vấn đề tài trợ cho mảng khí hậu để giúp họ cắt giảm khí carbon và đối phó với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Aubrey Webson, Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ, đại diện cho 37 quốc gia hứng chịu nhiều rủi ro nhất, nói: “Dự thảo cung cấp một nền tảng để thúc đẩy hành động, song cần phải củng cố thêm văn bản này trong các vấn đề then chốt nhằm đáp ứng các nhu cầu của những nước dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trong vấn đề tài chính. Chúng ta sẽ không đạt được tham vọng trong vấn đề hạn chế phát thải đặt ra nếu chúng ta không tăng cường các đóng góp tài chính.”

Theo ông, cách dùng từ trong văn bản còn quá yếu: “hối thúc,” “kêu gọi,” “khuyến khích” và “mời gọi” không phải là những ngôn ngữ mang tính quyết đoán cần thiết vào lúc này.

Đại diện một số quốc gia đang phát triển khác nói với The Guardian rằng văn bản cần có thêm các cam kết để buộc các nước phải giảm phát thải hơn nữa.

Giới quan sát cho rằng văn bản này thiếu nhiều thứ mà nó cần có. The Guardian dẫn lời Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành Tổ chức Greenpeace International, cho rằng cần những hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề tài chính, bao gồm “những con số hàng trăm tỷ trên thực tế”…

Alden Meyer của hãng tư vấn E3G thì nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự chưa thấy EU và Mỹ có những bước đi đẩy mạnh sự hỗ trợ tài chính mà họ cần trao cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất để mang lại sự cân đối cho thỏa thuận COP26.”

Theo ông, để “đạt được những gì mà EU và Mỹ nói là họ muốn làm ở Glasgow (về cắt giảm khí phát thải) và sự minh bạch từ các nước như Trung Quốc, họ cần xây dựng một liên minh tham vọng mạnh mẽ hơn bằng cách trao cho những nước dễ bị tổn thương những thứ họ cần và xứng đáng với những thiệt hại và tổn thất về tài chính của họ. Và với cả Mỹ và EU thì điều này có nghĩa là phải vượt qua một số 'lằn ranh đỏ' của họ.”

Yamide Dagnet, Giám đốc phụ trách các cuộc đàm phán về khí hậu tại Viện Các nguồn tài nguyên thế giới, bày tỏ quan ngại về vấn đề hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển.

Ông nói với Al Jazeera: “Chúng ta đã chứng kiến một số tiến triển nhưng tôi không nghĩ rằng những tiến triển đó đã đáp ứng được mức độ mà những quốc gia thuộc thế giới thứ ba kỳ vọng."

Eddy Perez, nhà quản lý chính sách ngoại giao khí hậu quốc tế tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Canada, cho rằng văn bản này “cực kỳ có vấn đề” khi “nó không đề cập đến nhu cầu gia tăng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.”

Tồn tại nhiều bất đồng

Theo Al Jazeera, những chia rẽ lớn vẫn tồn tại khi các quốc gia vẫn tranh cãi về những chi tiết tế nhị, trong số đó phải kể đến những bất đồng xung quanh các quy định về thị trường carbon, khung thời gian cho việc cập nhật các cam kết cắt giảm phát thải khí và việc chi trả cho các quốc gia dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Phóng viên Andrew Simon của Al Jazeera đưa tin từ Glasgow rằng “đã có nhiều căng thẳng trong hàng loạt vấn đề, đặc biệt là cái gọi là NDCs - những đóng góp mà các quốc gia đã xác định - trong việc cắt giảm khí carbon."

Một điểm bất đồng khác làm gia tăng sự căng thẳng là mức độ hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giúp họ thực hiện mục tiêu cắt giảm khí phát thải.

Bộ trưởng Môi trường Gambia Lamin B. Dibba nói với Al Jazeera rằng “các quốc gia phát triển là những bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho ‘mớ hỗn độn về khí hậu này’.”

Ông nhấn mạnh rằng “Gambia và các nước đang phát triển khác đang nỗ lực để đáp ứng tình hình, nhưng sự đáp ứng ấy sẽ không thể đạt tiêu chuẩn nếu thiếu các nguồn lực.”

Về phần mình, Thủ tướng Boris Johnson của Anh, nước chủ trì hội nghị, hối thúc các bên “đặt sang một bên những bất đồng để cùng hợp tác vì hành tinh và người dân của chúng ta”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục