Ninh Thuận đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, vùng hạ du mùa lũ

Để đảm bảo an toàn công trình hồ đập, tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện phương án xả lũ một cách hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho các công trình thủy, đồng thời đảm bảo không để xảy ra ngập úng.
Ninh Thuận đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, vùng hạ du mùa lũ ảnh 1Cán bộ nhân viên quản lý hồ Tân Giang ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, thường xuyên kiểm tra mực nước của hồ để điều tiết xả lũ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trong những ngày qua, tại Ninh Thuận mưa lớn diễn ra liên tục đã làm tăng đáng kể lượng nước cho các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo, hiện nay do áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão nên tỉnh đang hứng nhiều trận mưa lớn và kéo dài.

Để đảm bảo an toàn công trình hồ đập, tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện phương án xả lũ một cách hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho các công trình thủy, đồng thời đảm bảo không để xảy ra ngập úng, gây thiệt hại cho sản xuất của người dân vùng hạ lưu.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 414,29 triệu m3, do công trình quản lý, vận hành và khai thác.

Những ngày qua, mưa lớn liên tục từ thượng nguồn đã tạo và cung cấp lượng nước đáng kể cho các hồ chứa, nhất là các hồ có dung tích thiết kế lớn.

Tính đến sáng 14/10, tổng lượng nước tại 22 hồ chứa ở Ninh Thuận đạt 272,62 triệu m3, đạt tỷ lệ 65,8%. Đáng nói hơn, có nhiều hồ chứa lượng nước đạt từ 85-90%; 8 hồ khác lượng nước xấp xỉ bằng dung tích thiết kế.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đang tiến hành xả lũ tại 6 hồ chứa với tổng lượng nước 27,94 m3/s; 7 hồ khác hiện nước đang tràn tự do với tổng lưu lượng 18,86 m3/s. Riêng hồ Sông Cái, các cửa van tràn xả mặt mở hoàn toàn; đồng thời vận hành cống tiếp nước về hạ lưu với tổng lưu lượng 57,59 m3/s.

Ông Dương Cao Chí, Trạm trưởng Trạm Thủy nông huyện Thuận Nam, cho biết hiện trạm đang quản lý 6 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 43,55 triệu m3.

Lượng nước ở 6 hồ giờ đã đạt trên 29 triệu m3; đặc biệt là hồ Tân Giang ở xã Phước Hà, lượng nước đạt 12,94/13,39 triệu m3 dung tích thiết kế và đang mở hai van xả lũ với lưu lượng 12,83 m3/s.

Do mưa liên tục nên nước từ thượng nguồn đổ vào hồ rất lớn, Trạm Thủy nông huyện Thuận Nam đã bố trí nhân viên túc trực 24/24 giờ để theo dõi thường xuyên, đo đạc kỹ lượng nước vào hồ để cân đối và trình lãnh đạo công ty có phương án mở thêm cửa van xả lũ một cách hợp lý để đảm bảo an toàn cho hồ Tân Giang.       

Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, cho biết trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, công ty đã phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường theo dõi từng địa bàn có công trình thủy lợi để có phượng án xử lý kịp thời, tránh bị động.

Riêng tại mỗi hồ chứa, công ty phân công cho một đồng chí trưởng hoặc phó trạm thủy nông trực tiếp túc trực 24/24 giờ để chỉ đạo lực lượng cán bộ, công nhân viên tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, công ty đã lắp đặt thiết bị cảnh báo thông tin khi xả lũ ở hồ chứa; gửi kế hoạch cụ thể đến chính quyền các địa phương vùng hạ lưu về thời gian cũng như lưu lượng xả lũ từ các hồ để thông báo liên tục trước 6 giờ đồng hồ cho người dân biết để chủ động ứng phó, phòng tránh trước khi công ty tiến hành xả lũ.

[Các hồ thủy điện trên sông Đà đang thiếu hụt nước nghiêm trọng]

Công ty luôn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh và các địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn các công trình thủy lợi. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các địa phương thống nhất quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng hạ du chịu ảnh hưởng khi các hồ vận hành điều tiết xả lũ để thống nhất kế hoạch phối hợp hành động khi có thiên tai xảy ra.

Đối với các hồ chứa vận hành điều tiết xả lũ bằng cửa van, công ty luôn chủ động xử lý, đảm bảo vận hành tốt tất cả các thiết bị xả lũ.

Đồng thời trang bị đầy đủ máy phát điện, bình ắc quy để phục vụ công tác dự phòng trong trường hợp mất điện; chuẩn bị tại kho và các hồ, đập nhiều vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho sinh hoạt từ 15 đến 20 ngày khi có sự cố bị chia cắt trong mùa mưa lũ.

Ông Phùng Đình Thanh cho biết thêm đối với địa phương thường hay chịu cảnh khô hạn như Ninh Thuận, việc tích nước để cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân là rất quan trọng.

Do đó, mặc dù là trong thời điểm của mùa mưa lũ, công ty cũng rất cân phân, tính toán chi tiết và hợp lý việc xả lũ để vừa đảm bảo công trình nhưng đồng thời cũng đảm bảo nguồn nước tích trữ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục