Ninh Thuận, Tiền Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Bên cạnh việc đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 chặt chẽ, các trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dành nhiều thời gian tổ chức ôn tập, phụ đạo để bổ sung kiến thức cho học sinh.
Ninh Thuận, Tiền Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường ảnh 1Học sinh được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Học sinh tại Ninh Thuận đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, trong khi học sinh tại Tiền Giang bắt đầu học trực tiếp từ ngày 21/2.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Huệ Khải cho biết, ngay trong ngày học trực tiếp đầu tiên (ngày 14/2) và sáng 15/2, số học sinh đến trường học trực tiếp của các cấp học từ cấp Mầm non đến Trung học Phổ thông đạt cao, gần 94%.

Theo đánh giá, số học sinh vắng học trong ngày đầu học trực tiếp chủ yếu là ở cấp Tiểu học và Mầm non; học sinh cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vắng ít hơn.

Nguyên nhân học sinh vắng mặt là do phụ huynh chưa kịp chuẩn bị đưa trẻ đến trường; một số em đi chơi xa cùng gia đình vào dịp Tết chưa về; số còn lại bị bệnh thông thường do thời tiết chuyển mùa. Đối với trẻ Mầm non, số ít phụ huynh chưa an tâm cho trẻ đến lớp vì còn e ngại, lo lắng về dịch bệnh.

Để học sinh đến trường học đầy đủ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục, các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp tăng cường công tác tuyên truyền, liên hệ trực tiếp với phụ huynh an tâm đưa trẻ đến trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt, các trường phải thường xuyên thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho học sinh; thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dành nhiều thời gian tổ chức ôn tập, phụ đạo để bổ sung thêm kiến thức cho học sinh nhanh chóng theo kịp chương trình học.

Theo thầy Lê Minh Khánh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Nam, ngay ngày học trực tiếp đầu tiên, toàn trường có 12.026 em đến lớp học, 947 em vắng mặt có lý do.

Đối với học sinh chưa đến trường học, Phòng Giáo dục chỉ đạo nhà trường cử cán bộ, giáo viên phối hợp với hội phụ huynh học sinh và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đến từng nhà để thông báo, chủ động nắm thông tin, vận động học sinh đi học trở lại.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Nam tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch và tổ chức dạy học trong nhà trường; tiếp tục triển khai nghiêm túc Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo Quyết định số 2127 /QĐ-UBND, ngày 7/11/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng thời đảm bảo các điều kiện an toàn và ứng phó với dịch bệnh khi phát hiện ca F0 và trường hợp nghi ngờ F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường vận động những học sinh chưa tiêm chủng vì lý do sức khỏe tiếp tục tham gia tiêm vaccine phòng dịch trong thời gian tham gia học trực tiếp tại trường.

Qua công tác kiểm tra tại một số trường trên địa bàn tỉnh trong ngày đầu tổ chức học trực tiếp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đánh giá cao công tác chuẩn bị của các trường.

Ninh Thuận, Tiền Giang đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường ảnh 2Cán bộ giáo viên các trường tiểu học ở huyện Thuận Nam rửa tay sát khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các trường, các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh; xây dựng các phương án cụ thể để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, phát hiện sớm những học sinh có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 để kịp thời xử lý nhanh nhất, an toàn nhất; đồng thời bảo chất lượng học tập trong cả năm học.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, về tình hình dịch COVID-19, tỉnh đang ở cấp độ 1, nguy cơ thấp. Tất cả các huyện, thành phố không có địa phương nào cấp độ 2, cấp độ 3 và 4./.

[Cả nước còn 9 tỉnh, thành phố chưa tổ chức cho trẻ mầm non đến trường]

Ngày 15/2, Tiến sỹ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 771/Ủy ban Nhân dân-KGVX ngày 15/2/2022 về việc thống nhất với đề xuất tổ chức dạy học trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 21/2/2022.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp từ ngày 21/2/2022 đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục) gồm lớp 1, 2, 5 và từ lớp 6 đến 12 trên địa bàn tỉnh; trẻ mầm non 5 tuổi của các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ độc lập; học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học và trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Học sinh lớp 3, 4 tại các cơ sở giáo dục phổ thông; trẻ mầm non dưới 5 tuổi thuộc các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ độc lập sẽ được tổ chức dạy và học từ ngày 24/2/2022.

Điều kiện để tổ chức học tập trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục, các trung tâm phải đảm bảo đạt “Mức độ an toàn rất cao” theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Các cơ sở giáo dục, các trung tâm tổ chức dạy học nhiều ca/ngày; chủ động sắp xếp bố trí một (hoặc một số) khối lớp học buổi sáng, các khối lớp còn lại học buổi chiều (hoặc buổi tối đối với các trung tâm) nhằm giảm số lượng người tập trung cùng một thời điểm tại các cơ sở giáo dục. Các hoạt động sinh hoạt tập thể, dạy thêm học thêm chưa được phép tổ chức.

Các cơ sở giáo dục, các trung tâm phải có phương án tổ chức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với những học sinh không thể đến trường học trực tiếp nhằm bảo đảm duy trì chất lượng giáo dục, “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.” Đồng thời, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trình Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện phê duyệt.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quyết định việc tổ chức nội trú, bán trú cho trẻ mầm non, học sinh. Các đơn vị phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức khử khuẩn khuôn viên, phòng học, đặc biệt là khu vực bếp ăn, đồ dùng, dụng cụ phục vụ bữa ăn bán trú; thực hiện quy trình bếp ăn một chiều…

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia giảng dạy, phục vụ giảng dạy phải đảm bảo 100% tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng.

Đối với giáo viên chưa tiêm ngừa hoặc chưa đủ 2 mũi vaccine chỉ được tham gia dạy học trực tuyến.

Giáo viên, học sinh, học viên tham gia dạy và học trực tiếp là các cá nhân không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Tất cả phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định 5K khi tham gia giảng dạy, học tập trực tiếp.

Các giáo viên, học sinh, học viên đến từ các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) phải thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Trẻ em, học sinh, học viên đến trường học tập trực tiếp trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Quang Trí, vào những ngày đầu năm mới, học sinh từ lớp 7 đến 12 đến trường ổn định và đi vào nề nếp học tập với tỷ lệ rất cao.

Qua hơn một tuần học sinh đi học trở lại, 164 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh đến trường cao trên 98% ở hai khối Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Số học sinh vắng mặt đều có lý do và được bố trí học trực tuyến tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục