Gian nan tìm nghề

Nỗi gian nan tìm nghề của những người dân mất đất

Khi các dự án xi măng đi vào hoạt động cũng là lúc đất nông nghiệp ở Ninh Vân bị thu hẹp, người nông dân khốn khó đi tìm nghề mới.
Từ năm 2006 tới nay, xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) đón nhận 2 dự án đầu tư nhà máy xi măng lớn và phần lớn diện tích đất nông nghiệp trong xã đã bị thu hồi nhường cho dự án. Hệ quả là khi các dự án đi vào sản xuất ổn định cũng là lúc người dân gánh chịu thiệt thòi.

Đất ruộng bị mất, nhiều hộ loay hoay tự tìm nghề mới để kiếm kế mưu sinh.

Khốn khó chuyển nghề

Anh Lê Hữu Cảnh, 44 tuổi, ở thôn Hệ, đã phá bỏ ngôi nhà cũ với lớp xi măng bong ra từng mảng, những viên ngói thủng lỗ chỗ mà mỗi khi mưa hay nắng đều có thể xuyên thủng để thay thế bằng ngôi nhà 3 gian mới.

Trước đây, gia đình anh không bao giờ nghĩ có thể xây được nhà từ nghề làm ruộng. Căn nhà được  xây từ tiền đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi cho dự án nhà máy xi măng Duyên Hà.

Thế nhưng, niềm vui có nhà mới chẳng được tày gang, gia đình anh lại phải đối mặt với chuyện "cơm, áo, gạo, tiền". Nếu như trước kia, chưa khi nào phải đi mua gạo ngoài, bởi thóc lúa trong nhà luôn dư giả đảm bảo đủ ăn cả năm, thì nay lại phải lo chạy việc kiếm bữa ăn hàng ngày.

Công việc hiện tại của anh là bất cứ việc gì lao động mà có thể ra tiền. Khi thì anh làm phụ hồ,  lúc lại bốc cửu đá, đào đất thuê... Ai có nhu cầu thuê gì anh cũng chẳng nề hà, miễn sao có tiền nuôi "mấy cái tàu há mồm"...

Trên con ngõ nhỏ dẫn vào làng Phú Lăng, chúng tôi gặp gia đình ông Nguyễn Tiến Đông trong căn nhà tường đã đổi màu vì rêu bám. Ông Đông đang hì hụi lau chùi chiếc xe máy vẫn còn mới để trước cửa nhà.

Là một thương binh, vợ lại bị bệnh tâm thần, hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên gia đình ông sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Tất cả thu nhập của gia đình đều từ tiền bán lúa thóc mà ra.

Vốn được đền bù tới 67 triệu đồng cho một mẫu rưỡi ruộng từ Công ty xi măng Duyên Hà, ông Đông liền mua ngay chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại. Từ ngày có xe mới, ông đỡ phải đi bằng xe đạp mỗi khi về quê.

Nhưng cũng như anh Cảnh, từ ngày bán ruộng, ông Đông chưa tìm được nghề nào để có thể kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Ngay bản thân, mỗi ngày đi phụ hồ cũng chỉ đủ nuôi sống được 2 người trong gia đình trong khi ông còn 2 người con đang ăn học.

Ông Đông tâm sự, nhiều lúc cũng muốn đi làm đá mỹ nghệ hoặc đi khai thác đá, nhưng những công việc này lại đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật nên ông không thể cáng đáng được.

Theo ông Nguyễn Văn Định, trưởng thôn Hệ, đây là nơi mất diện tích đất nông nghiệp nhiều nhất cả xã. Nhiều hộ trong thôn thậm chí còn mất cả 100% diện tích đất canh tác.

Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Vân, cũng thừa nhận: “Với sự đầu tư ồ ạt của các dự án vào địa phương thì sự chuẩn bị của người dân và của chính quyền xã là hoàn toàn bị động”.

Hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu

Năm 2006, xi măng Duyên Hà đầu tư vào Ninh Vân và đền bù cho mỗi hộ 18.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Đến năm 2008, xi măng Đài Loan đầu tư tiếp và đền bù với giá “nhỉnh” hơn là 22.000đồng/m2 đất.

Cả xã Ninh Vân có 10 thôn thì có tới 5 thôn có diện tích đất rải rác bị mất, như: Dưỡng Thượng, Vạn Lê, Xuân Phúc, Hệ và Phú Lăng.

“Khi các doanh nghiệp và công ty đầu tư trên diện tích đất bị thu hồi có hứa hẹn là sẽ tạo điều kiện cho con em họ có nghề nghiệp trong công ty. Nhưng thực chất, số lượng này là rất ít. Chỉ có 50 người là lao động có kỹ thuật được đưa vào làm trong tổng số 200 chỉ tiêu mà các công ty đã hứa nhận.” - ông Hiếu nói.

Ông Định, truởng thôn Hệ, nơi diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều nhất, cho biết thêm: “Phần lớn lao động ở độ tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế, khó có khả năng tiếp thu kiến thức mới nên không đáp ứng được yêu cầu lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc bồi thường, hỗ trợ từ trước đến nay đều được thực hiện dưới hình thức chi trả trực tiếp. Người bị thu hồi đất chủ yếu sử dụng khoản tiền này phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt trước mắt mà ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm”.

Mặc dù, nghề đá mỹ nghệ đang phát triển, nhưng để thu hút nhiều hơn lao động vào các xưởng đá mỹ nghệ cũng rất khó, bởi đây là nghề truyền thống đòi hỏi kỹ thuật, độ thẩm mỹ cao, nguồn vốn đầu tư lớn.

Hiện tại, xã Ninh Vân có tới 40 doanh nghiệp tư nhân sản xuất đá mỹ nghệ, số người lao động dưới 30 tuổi chiếm 50 – 60% trong tổng số lao động, thu hút trên 700 lao động. Nhưng nghề đá mỹ nghệ cũng chỉ đủ "hút" lao động cho 2 thôn trong tổng số 10 thôn của xã.

Trong khi đó, người dân không được đào tạo nghề cơ bản. Điều này đã làm cho những nông dân mất ruộng đất càng khó kiếm việc làm hơn. Đây cũng là bài toán khó đặt ra cho xã Ninh Vân và những người nông dân vốn đang gắng chuyển mình vì nghề nghiệp trong thời gian tới./.

Mạnh Hùng-Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục