Nỗi lo sợ và tâm lý bài ngoại lan rộng trên thế giới vì virus corona

Khi một bệnh nhân tại thành phố Gold Coast, Australia từ chối bắt tay chính bác sỹ phẫu thuật của mình với lý do virus này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, vị bác sỹ này đã vô cùng sốc.
Các nhân viên y tế chào nhau qua ô cửa kính tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona của bệnh viện ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 4/2. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các nhân viên y tế chào nhau qua ô cửa kính tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona của bệnh viện ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 4/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra đang lan rộng trên thế giới, nó đã dẫn đến xu hướng bài ngoại, và cộng đồng người châu Á ở nhiều nơi đang phải chống chọi với tâm lý nghi ngờ và sợ hãi.

Khi một bệnh nhân tại thành phố Gold Coast, Australia từ chối bắt tay chính bác sỹ phẫu thuật của mình với lý do virus này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, vị bác sỹ này đã vô cùng sốc.

Tuy nhiên, sau khi chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được vô số phản hồi, vị bác sỹ đã nhận thức được rằng trải nghiệm của cô là rất phổ biến.

Ngày càng có nhiều thông tin mang tính phân biệt đối xử với người Trung Quốc và người gốc châu Á bất kể họ có từng tới tâm dịch hay từng tiếp xúc với virus hay không.

Tại Italy, du khách Trung Quốc đã bị tẩy chay tại thành phố du lịch Venice, một gia đình tại thành phố Turin bị cáo buộc mang mầm bệnh, trong khi các bà mẹ tại Milan lại sử dụng mạng xã hội để kêu gọi tránh cho con em họ tiếp xúc với các bạn học người Trung Quốc.

Tại Canada, đã xuất hiện đoạn video, trong đó một người đàn ông da trắng yêu cầu một phụ nữ Canada gốc Hoa "loại virus corona ra khỏi người" ngay tại khu đỗ xe của một trung tâm mua sắm.

[Dịch viêm đường hô hấp: Bệnh nhân xuất viện vẫn có nguy cơ tái nhiễm]

Trong khi đó, tại Malaysia, đơn thỉnh nguyện kêu gọi "cấm người Trung Quốc nhập cảnh" đã nhận được gần 500.000 chữ ký chỉ trong một tuần.

Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thông tin sai lệch đã châm ngòi cho tình trạng phân biệt chủng tộc, với những giả thuyết đáng quan ngại về người Trung Quốc, hay những người có ngoại hình gốc Á.

Từ trước đến nay, dịch bệnh thường đi kèm với những hoài nghi về người nước ngoài. Điển hình như việc người nhập cư Ireland bị tẩy chay khi bệnh đậu mùa tại hoành hành tại Mỹ vào những năm 1900, cho tới việc lực lượng gìn giữ hòa bình Nepal bị cáo buộc gây nên dịch tả tại Haiti vào thập kỷ trước.

Giám đốc về Y tế và An ninh Sinh học của Cơ quan Khoa học và nghiên cứu Australia (CSIRO) đánh giá đây là hiện tượng phổ biến. Trong lịch sử, mỗi khi có dịch bệnh, con người thường có xu hướng tẩy chay một nhóm nhỏ trong dân số.

Trong khi đó, bác sỹ Abraar Karan cảnh báo hành vi này có thể khiến những người có triệu chứng e ngại việc đi khám.

Về phần mình, Giảng viên Y tế của Đại học Sydney Claire Hooker lại tin rằng phản ứng của chính phủ có thể đã góp phần dẫn đến các định kiến này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng phản đối các biện pháp can thiệp không cần thiết vào thương mại và đi lại quốc tế, song nhiều quốc gia vẫn quyết định ban bố lệnh cấm do lo ngại dịch bệnh tràn sang.

Giảng viên này nhận định lệnh cấm đi lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sợ hãi, khiến dư luận có xu hướng gắn người dân Trung Quốc với virus nguy hiểm mới.

Cũng theo bà Hooker, các nghiên cứu tại Toronto về Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) -  một dịch bệnh bùng phát năm 2002- đã cho thấy tác động của xu hướng bài ngoại còn kéo dài lâu lớn cả nỗi sợ về sức khỏe.

Khi dịch bệnh đi xuống, sẽ mất thêm khoảng thời gian nữa để kinh tế phục hồi và mọi người sẽ vẫn tiếp tục cảm thấy không an toàn. Người dân sẽ không ngay lập tức quay về các doanh nghiệp hay nhà hàng Trung Quốc, thậm chí là để ý đến những tin sai lệch trên mạng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục