Nuôi lợn rừng đưa thực phẩm sạch xuống phố ăn lấy “hên” đầu năm

Với quan niệm, ăn thịt lợn rừng đầu năm thì sẽ được “hên” trong cả năm, vì thế càng gần Tết, nhu cầu mua thịt lợn rừng càng tăng mạnh, đặc biệt là ở những trang trại nuôi lợn rừng sạch.
Nuôi lợn rừng đưa thực phẩm sạch xuống phố ăn lấy “hên” đầu năm ảnh 1Lợn rừng nuôi tại trang trại Phương Nam. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Với quan niệm, ăn thịt lợn rừng đầu năm thì sẽ “hên” cả năm, vì thế càng gần Tết, nhu cầu mua thịt lợn rừng càng tăng mạnh. Tuy nhiên, để tìm mua được sản phẩm thịt lợn rừng ngon, sạch và an toàn không phải là điều dễ.

Từ mong muốn có một nguồn cung thực phẩm sạch phục vụ gia đình, nay anh Chu Văn Tuấn (Định Công, Hà Nội) đã trở thành chủ của Trang trại Phương Nam với quy mô rộng hơn 5ha gồm mô hình nuôi lợn rừng sạch tại thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội.

Lợn rừng xuống phố

Anh Tuấn cho biết thịt lợn rừng vốn được xem là đặc sản, rất được nhiều người ưa chuộng, do đó lượng cung luôn không đủ cầu. Cũng bởi lẽ này mà anh đã mạnh dạn bỏ tiền túi ra để đầu tư cho riêng nhà mình một trang trại chăn thả lợn rừng.

Với quy mô trang trại rộng hơn 5ha tại Quốc Oai, hiện trang trại của anh có gần 300 con bao gồm cả lợn thương phẩm và lợn giống.

Anh Tuấn chia sẻ, sống ở Thủ đô, muốn ăn cái gì cũng có, nhưng để có nguồn thực phẩm sạch, an toàn thì lại là cả một vấn đề.

Anh kể, trước đây muốn có lợn rừng sạch để ăn, anh thường phải rủ vài người bạn cùng phi xe về tận Hòa Bình để chung nhau mua, thuê mổ để lấy thịt mang về.

Xuất phát từ mong muốn có nguồn thực phẩm sạch đảm bảo anh quyết định hay thử đầu tư nuôi. Nói là làm, anh bắt tay vào thực hiện, qua giới thiệu và tìm hiểu anh đã liên hệ mua lợn rừng giống tại Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sau đó phối giống để tự nhân đàn và thuê người chăm sóc ở trang trại.

Với phương châm, chăn nuôi phục vụ mình là chính, nhưng từ khi có điều kiện mở rộng hệ thống trang trại, nhiều người biết đến trang trại lợn rừng sạch Phương Nam nhiều hơn.

“Khách đặt thịt lợn rừng hầu hết là khách quen ở Hà Nội và cũng có một số nhà hàng. Hằng tuần, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại báo đặt, sau đó sẽ có nhân viên gom đơn hàng và thịt rồi mang lợn xuống tận nơi theo yêu cầu,” anh Tuấn cười nói.

Ăn thịt lợn rừng lấy “hên”

Mặc dù, toàn là khách quen nhưng những dịp Tết như thế này, thì món đặc sản này thường bị “cháy hàng.” Bởi vậy, muốn mua được thịt lợn rừng, khách thường đặt trước cả tháng.

Thịt lợn rừng “đắt khách” không chỉ bởi thịt lợn rừng thơm ngon mà anh Tuấn còn “bật mí” thêm, dân gian vẫn thường quan niệm lợn rừng biểu tượng cho sức mạnh. Lông con lợn rừng có gốc “3 chấu” khác với lông lợn nhà nên người ta cho rằng lông có “3 chấu” tượng trưng cho “Phúc - Lộc - Thọ” vì thế ăn thịt lợn rừng đầu năm thì sẽ được “hên” trong cả năm.

Nuôi lợn rừng đưa thực phẩm sạch xuống phố ăn lấy “hên” đầu năm ảnh 2Lông lợn rừng có "3 chấu" tượng trưng cho "Phúc-Lộc-Thọ" nên ăn thịt lợn rừng thì sẽ được "hên." (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Với quan niệm này, mà mùng Một Tết năm nào nhà anh cũng phải có món thịt lợn rừng trong mâm cỗ,” anh Tuấn cho biết.

Lợn rừng rất dễ phân biệt, đặc điểm của giống lợn rừng là có mõm dài và nhọn, chân nhỏ, lúc bé lợn có thân màu sọc vàng hay còn gọi là lợn sọc dưa, khi lợn trưởng thành có màu xám hoặc đen, lợn đực còn có hai nanh rất dài.

Anh Tăng Đình Việt, quản lý Trang trại Phương Nam cho biết, kỹ thuật nuôi lợn rừng cũng tương đối giống như lợn thường, tuy nhiên để có thịt ngon, chất lượng đòi hỏi phải có “sân thể dục” cho lợn và chế độ ăn phù hợp.

“Với phương pháp nuôi thả bán tự nhiên và lợn rừng ăn tạp nên chế độ cho ăn chỉ có rau, củ, quả như rau lang, thân chuối, lá chuối, ngô, cây cỏ rừng... vì thế thịt lợn rừng ở đây rất săn chắc, thơm ngon, ngọt thịt và da có độ dày, giòn,” anh Việt cho hay.

Nuôi lợn rừng đưa thực phẩm sạch xuống phố ăn lấy “hên” đầu năm ảnh 3Chế độ cho ăn của lợn rừng sạch chỉ có rau, củ, quả như rau lang, thân chuối, lá chuối, ngô, cây cỏ rừng. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Lợn thương phẩm tại trang trại Phương Nam là lợn rừng đã được thuần chủng nên không hung dữ như những con lợn giống. Do nuôi với hình thức bán chăn thả nên gần như lợn ở đây thường nuôi 2-3 năm mới xuất chuồng, trọng lượng mỗi con cũng chỉ khoảng 20-30kg/con. Khác hẳn với lợn thường, chu kỳ nuôi chỉ khoảng 4-5 tháng là xuất bán.

Theo đó, giá thịt lợn rừng cũng nhỉnh hơn. Cụ thể, giá lợn thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg lợn hơi, còn lợn rừng giống khoảng 200.000 đồng/kg lợn hơi.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Tuấn cho hay, anh sẽ đầu tư mở rộng thêm khoảng 7ha đất làm chuồng trại, chăn thả lợn và nhân đàn gấp đôi lên khoảng 500 con lợn rừng, kết hợp cả mô hình nuôi gà, vịt, ngan để phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục