Pháp: Phát hiện vết nứt trong ống làm lạnh của nhà máy điện hạt nhân

Vết nứt tại nhà máy Penly không gây nguy hiểm tức thời đối với môi trường và con người, do vị trí nứt nằm trong hệ thống được thiết kế để làm lạnh lò phản ứng chỉ trong trường hợp khẩn cấp.
Pháp: Phát hiện vết nứt trong ống làm lạnh của nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Penly ở ven biển Manche, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Pháp ngày 7/3 đưa tin tập đoàn điện lực EDF của nước này đã phát hiện một vết nứt mới trong ống làm lạnh tại nhà máy điện hạt nhân ở ven biển Manche.

Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN) cùng ngày cho biết vết nứt mới dài 15,5cm và sâu tới 2,3cm, bao phủ 1/4 chu vi đường ống dày 2,7 cm tại nhà máy điện hạt nhân Penly.

Theo ASN, vết nứt tại nhà máy Penly không gây nguy hiểm tức thời đối với môi trường và tính mạng con người, do vị trí của nó trong hệ thống đường ống được thiết kế để sử dụng làm lạnh lò phản ứng chỉ trong trường hợp khẩn cấp. 

Trong năm qua EDF phải ứng phó với các vấn đề bảo dưỡng tại các nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ, theo đó tập đoàn phải cho dừng hoạt động hơn 10 nhà máy để kiểm tra và sửa chữa khẩn cấp.

Tháng 2 vừa qua, EDF thông báo phát hiện tình trạng "ăn mòn nghiêm trọng" ở hệ thống làm lạnh khẩn cấp tại nhà máy Pently 1 ở miền Bắc nước Pháp. Nhà máy này nằm trong 16 nhà máy phải dừng hoạt động trong năm 2022.

[Pháp họp bàn về biện pháp xử lý chất thải của nhà máy điện hạt nhân]

ASN yêu cẩu EDF sửa đổi chiến lược giải quyết các vấn đề ăn mòn có thể gây hậu quả tài chính lớn đối với tập đoàn đang nợ chồng chất này cũng như khả năng sản xuất điện của Pháp.

Pháp từng là nhà xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, mùa Đông vừa qua, nước này cần nhập khẩu điện từ Đức và các nước láng giềng khác do các vấn đề tại các nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Bình thường các nhà máy này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu năng lượng của Pháp.

Năm 2022 số nợ của EDF đã lên đến 64,5 tỉ euro (68,6 tỷ USD) trong khi khoản lỗ lên đến 17,9 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục