Phát huy giá trị di tích Hổ Quyền dưới triều nhà Nguyễn

Nhằm khai thác hiệu quả và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực triển khai nhiều dự án trùng tu và phục hồi nhiều hạng mục tại Hổ Quyền.
Phát huy giá trị di tích Hổ Quyền dưới triều nhà Nguyễn ảnh 1Hổ Quyền là đấu trường lộ thiên hình vành khăn. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Di tích Hổ Quyền nằm tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là một trong những công trình kiến trúc độc đáo trong hệ thống quần thể di sản cố đô Huế được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, công trình này còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Đấu trường độc đáo

Theo các nhà nghiên cứu, Hổ Quyền là đấu trường được xây dựng năm Canh Dần (1830), ở gần đồi Long Thọ, cách kinh thành 4km, dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem, đồng thời huấn luyện cho voi có thêm kỹ năng chiến đấu.

Hổ Quyền có cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.

Là đấu trường lộ thiên hình vành khăn, Hổ Quyền được kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm.

Vòng thành trong cao 5,9m, vòng thành ngoài cao 4,75m. Cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành.

Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi. Công trình có chu vi 145m, đường kính lòng chảo 44m.

[Thừa Thiên-Huế giới thiệu sản phẩm du lịch "Phố đêm Hoàng Thành Huế"]

Trong khuôn viên của Hổ Quyền, khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường.

Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.

Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng hổ được xây dựng ngay trong lòng đấu trường với hệ thống cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây nối từ trên xuống. Sân đấu là thảm cỏ hình tròn.

Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu, rộng 1,9m, cao gần 4m, có hai cánh lớn, bản lề bằng đá.

Trong ngày thi đấu, dân chúng và hương chức quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua. Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Có một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông.

Đúng giờ Ngọ, vua ngự thuyền rồng từ Nghênh Lương Đình, dọc theo sông Hương để lên bến Long Thọ. Vua lên kiệu che bốn lọng và bốn tàn vàng, đi trước là Ngự lâm quân, Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, từ khi xây dựng Hổ Quyền nghi thức tổ chức các trận quyết đấu giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước. Ngày diễn ra trận đấu, dân chúng địa phương ở trong vùng cũng đặt hương án, lễ vật.

Từ sáng sớm, dân chúng đã hăm hở đến nơi chờ xem trận đấu giữa voi và hổ. Mục đích chính của Hổ quyền là luyện tập cho voi về kỹ năng chiến đấu. Trước khi được đưa ra đấu trường, hổ đã bị cắt trụi móng vuốt và bẻ hết răng nhọn, xem như một hình thức luyện tập.

Những trận tử chiến giữa voi và hổ thường được triều đình nhà Nguyễn tổ chức mỗi năm một lần. Trận đấu cuối cùng diễn ra tại Hổ Quyền cách đây 118 năm, dưới thời vua Thành Thái.

Hổ quyền là công trình có kiến trúc độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Năm 1998, Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Nhằm khai thác hiệu quả và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực triển khai nhiều dự án trùng tu và phục hồi nhiều hạng mục tại Hổ Quyền.

Phát huy giá trị di tích Hổ Quyền dưới triều nhà Nguyễn ảnh 2Cổng vào bên trong di tích Hổ Quyền. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Năm 2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ cao Hàn Quốc KAIST thực hiện dự án phục dựng di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D.

Bộ phim mô hình đã tái hiện lại toàn cảnh kiến trúc Hổ Quyền, cách xây dựng trường đấu hổ và cảnh vua, triều thần, các thị vệ đi xem trận đấu; tái hiện sống động hình ảnh về trận tử chiến giữa voi và hổ tại di tích này.

Bộ phim 3D này đã được trình chiếu phục vụ du khách tham quan di sản Huế từ năm 2010.

Năm 2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền và di tích Voi Ré (cách Hổ Quyền khoảng 400m thuộc phường Đúc, thành phố Huế).

Dự án được triển khai trên diện tích gần 5hecta, có tổng mức đầu tư hơn 94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỷ và chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ.

Dự án sẽ thực hiện các hạng mục: giải phóng mặt bằng, san nền, bố trí đất ở, đất thương mại, trồng cây xanh, xây dựng 9 tuyến đường nội bộ trong khu vực với tổng chiều dài hơn 1,6km, xây dựng bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật…

Bà Tống Thị Nguyệt, 84 tuổi, người dân sống cạnh di tích Hổ Quyền, phường Thủy Biều, thành phố Huế cho biết, gia đình bà đã đến đây dựng nhà sinh sống đã ba thế hệ.

Bà con sống quanh di tích Hổ Quyền rất vui mừng khi chính quyền địa phương triển khai giải phóng mặt bằng, chỉnh trang khu vực di tích bởi đây là công trình có lịch sử và quý hiếm.

Người dân cũng mong muốn việc chỉnh trang sớm được hoàn thiện để tiếp tục thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, tìm hiểu về Hổ Quyền.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế, cho biết Hổ Quyền là đấu trường còn tương đối nguyên vẹn, cũng là di tích độc đáo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chủ trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để chỉnh trang lại, phát huy giá trị di sản.

Hiện nay, thành phố đã phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đang hoàn thành các thủ tục để tiến hành triển khai thực hiện dự án.

Sau khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng sẽ tổ chức di dời 42 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất để bố trí tái định cư.

Theo dự kiến, cuối năm 2022 sẽ hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang khu vực dân cư cụm di tích Hổ Quyền-Voi Ré.

Việc chỉnh trang cụm di tích này không chỉ góp phần khôi phục lại những giá trị về lịch sử văn hóa mà còn khai thác hiệu quả di tích Hổ Quyền, tạo nên một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục