Phát triển nhà ở xã hội: Cần ‘thông’ gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Gói tín dụng 110.000 ty đồng sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; 50% còn lại sẽ dành cho người mua và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần ‘thông’ gói tín dụng 110.000 tỷ đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, giới chuyên gia bất động sản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra sáng nay, 17/2, ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất đối với thị trường bất động sản khi gần 1.200 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 38,7% so với năm 2021) và năm 2023 là năm có tính “sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.

[Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương triển khai xây dựng nhà ở xã hội]

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng nên đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án.

Về nhà ở xã hội, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc triển khai hiện vẫn còn nhiều khó khăn bởi quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với các luật liên quan; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút; căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí; việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập,…

Phát triển nhà ở xã hội: Cần ‘thông’ gói tín dụng 110.000 tỷ đồng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vì thế, theo ông Châu, gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng trên sẽ là giải pháp quan trọng để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội trước thềm diễn ra hội nghị này, Bộ Xây dựng dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030 cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo hình thức tái cấp vốn.

Phát triển nhà ở xã hội: Cần ‘thông’ gói tín dụng 110.000 tỷ đồng ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hình thức vay vốn trên giống với gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016; trong đó gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sẽ dành khoảng 50% (55.000 tỷ đồng) cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi, 50% còn lại sẽ dành cho người mua và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm có nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, như: vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục