Bài 4: Làm trước, chữa sau: Không để mãi cảnh “quýt làm, cam chịu'

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế'

Sau một loạt sự cố môi trường xảy ra, với chi phí khắc phục cao hơn gấp 10 lần, thậm chí 100 lần, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải quyết liệt xử lý, không để mãi cảnh “quýt làm, cam chịu.”
Người dân tại nhiều địa phương cho biết mang tiếng sinh sống bên cạnh mỏ khoáng sản, nhưng điều họ nhận được lại là ô nhiễm và nỗi đau bệnh tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân tại nhiều địa phương cho biết mang tiếng sinh sống bên cạnh mỏ khoáng sản, nhưng điều họ nhận được lại là ô nhiễm và nỗi đau bệnh tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 4: Từ hệ lụy làm trước, chữa sau: Không để mãi cảnh “quýt làm, cam chịu'

Nhấn mạnh tình trạng “phát triển trước, làm sạch sau” nếu không được ngăn chặn sẽ còn gây ra sự cố môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dân, nhiều ý kiến cho rằng không thể để tiếp diễn mãi cảnh “quýt làm, cam chịu.”

Vì thế, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát, kiểm tra đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ra ô nhiễm cũng như có phương án xử lý dứt điểm các trường hợp không tuân thủ pháp luật về môi trường; tuyệt đối không “du di” cho doanh nghiệp vì mục tiêu “chạy theo lợi nhuận trước mắt.” Bởi chi phí khắc phục ô nhiễm thường cao hơn gấp 10 lần, thậm chí 100 lần.

Thảm họa môi trường - bài học đắt giá “thức tỉnh” tư duy phát triển

Hẳn nhiều người còn nhớ thảm hoạ môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi tháng 4/2016 đã gây ra hậu quả khốc liệt.

Một vùng biển nên thơ kéo dài suốt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế bỗng chốc trở thành sự ám ảnh trong tâm trí mọi người, khi nước biển đổi màu ô nhiễm, cá chết dạt vào khắp bờ bốc mùi hôi thối. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây ngưng trệ. Ngư dân, người kinh doanh, người làm du lịch đều bị ảnh hưởng.

Sau sự cố trên, qua đấu tranh pháp lý, lãnh đạo tập đoàn Formosa đã cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam và chịu đền bù thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân các tỉnh miền Trung với tổng số tiền lên tới 500 triệu USD. Cùng với đó, doanh nghiệp cam kết bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về môi trường.

Thảm hoạ trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về “lỗ hổng” lớn từ chính sách pháp luật đến trách nhiệm thực thị của các cấp cơ sở, từ đó thức tỉnh chúng ta cần phải đánh giá lại công tác quản lý, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội về mặt dài hạn; đặc biệt cần có giải pháp để ngăn chặn những nguy cơ tương tự có thể xảy ra về lâu dài.

Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về chính sách môi trường chia sẻ rằng bài học rút ra từ câu chuyện Formosa đó là “hàng rào” môi trường của chúng ta hiện ở mức quá thấp. “Cũng một doanh nghiệp, tập đoàn đó, họ sẽ phải ứng xử khác nếu hoạt động ở các quốc gia nghiêm khắc với các yêu cầu về môi trường,” vị chuyên gia cho hay.

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế' ảnh 1Sau sự cố môi trường biển, một thời gian rất dài, nhiều ngư dân không thể ra khơi đánh cá. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Bài học thứ hai là năng lực và trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở. Trong “cuộc đua” tăng trưởng cấp tỉnh, như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét, chính quyền địa phương sẵn sàng làm mọi cách để níu kéo nhà đầu tư, trong đó “hạ chuẩn” hoặc thậm chí bỏ qua yêu cầu về quản lý môi trường cũng là một cách.

“Vì thế, với các dự án quy mô lớn, phức tạp thì việc trao quyền quản lý, giám sát cho chính quyền địa phương nhiều khi là quá sức do đội ngũ cán bộ chưa đủ kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh để có thể thực hiện tốt chức năng được giao. Chưa kể đến những mối lợi trước mắt nhiều khi quá lớn đối với những địa phương có nền kinh tế vốn khiêm tốn và ít dư địa phát triển,” vị chuyên gia trên chia sẻ.

Sau hệ lụy từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững kể trên, không thể phủ nhận giai đoạn 2016-2022 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, với dấu ấn nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Thế nhưng, bên cạnh những đổi mới trong bộ luật trên, ghi nhận của phóng viên VietnamPlus suốt 5 năm gần đây cho thấy nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là đối với các khu vực khai thác đá vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng. Đó là hệ quả của những “lỗ hổng” từ chính sách trước đây để lại.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với vai trò là công cụ dự báo, hạn chế nguy cơ gây hại lên môi trường còn được sử dụng một cách hình thức, thiếu thực chất và chưa thực sự giúp ích cho công tác quản lý môi trường.

Cái giá phải trả để khắc phục ô nhiễm rất lớn

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, một lãnh đạo đang công tác trong lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cái giá phải trả cho ô nhiễm là rất lớn, không chỉ gấp 10 mà có khi còn gấp 100 lần. Vì thế, nếu cơ quan quản lý, các cấp địa phương không xử lý vấn đề ô nhiễm ngay từ đầu, về sau sẽ trở thành gánh nặng cho Nhà nước. Và khi đó, chi phí để khắc phục hậu quả mà doanh nghiệp gây ra sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc ngăn chặn ngay từ đầu.

Dẫn ví dụ từ hoạt động sản xuất của các nhà máy ximăng, vị cán bộ trên nhấn mạnh rằng khói bụi nếu không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường sẽ ảnh hưởng tới không khí, nguồn nước, hoa màu, sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh. Chưa kể, người dân còn phải tự bỏ ra kinh phí để chạy chữa về sức khỏe.

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế' ảnh 2Ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng (Kon Plông, Kon Tum) cho biết mỗi khi xảy ra động đất kích thích là nhà cửa lại rung lắc, khiến gia đình rất lo lắng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Vấn đề này ai chịu trách nhiệm? Ví dụ, nếu địa phương buông lỏng quản lý hoặc chấp nhận cho doanh nghiệp hoạt động không tốt về môi trường, doanh nghiệp có thể đóng cho tỉch một khoản vào ngân sách, nhưng về sau Nhà nước lại phải bỏ ra gấp nhiều lần số tiền đó,” vị cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Thảm hoạ môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra kể trên là minh chứng rất rõ nét. Nhưng đó cũng mới chỉ là một “phần nổi” của “tảng băng chìm” về góc khuất môi trường mà chúng ta đã nhìn thấy.

Đơn cử như hiện tượng động đất kích thích xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam,… Chỉ riêng tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), trong năm 2021 đã xuất hiện gần 200 trận động đất kích thích gây rung lắc nhà dân, khiến người dân lo lắng. Điều đáng nói là, tình trạng trên bắt đầu xảy ra từ khi Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu đi vào vận hành, tích nước.

Trong quá trình phóng viên VietnamPlus đi tìm hiểu thực tế vào hồi giữa tháng 6/2022, người dân thôn Đăk Tăng (xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết trước đây, khi chưa có Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, cuộc sống của bà con rất an toàn và họ cũng không hay biết động đất kích thích là gì. Đến khi biết thì tần suất các trận động đất lại tăng lên dồn dập, xảy ra mỗi khi thủy điện tích, xả nước.

“Thời gian đầu, có những đêm đang ngủ, nhà bỗng dưng rung lắc, chúng tôi hoảng sợ lắm, nhất là nhà ở trên cao lại có con nhỏ. Có những nhà, tường bị nứt toác nhiều đoạn, vì lo sợ, khó khăn, mà bỏ nhà đi làm xa. Còn chúng tôi, những người ở lại với khu tái định cư này, theo thời gian, cũng thành quen, hay nói đúng ra là phải chấp nhận sống cùng động đất,” ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng thở dài nói.

Điều tréo ngoe mà ông Hương và người dân Đăk Tăng chia sẻ là từ khi mới xuất hiện động đất kích thích trên địa bàn đến nay (thời điểm giữa tháng 6/2022), họ chưa thấy bóng dáng cán bộ nào về kiểm tra, ngoài thông báo những trận động đất trên là do động đất kích thích, cũng không chỉ ra nguyên nhân là do đâu.

Ngay cả Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Lộc, trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào hồi tháng 6/2022, cũng khẳng định những tác động của động đất kích thích xảy ra trên địa bàn là rất đáng lo ngại. “Nhưng nguyên nhân do đầu thì chúng tôi không có chuyên môn, nên rất mong các cơ quan trung ương có chuyên môn và giới chuyên gia nghiên cứu,” ông Lộc nói.

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế' ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về “kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng,” diễn ra ngày 1/6/2022, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cũng chia sẻ nỗi lo lắng về hiện tượng động đất và những hậu quả có thể gây ra cho Kon Tum và khu vực Tây Nguyên.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng về nguyên nhân, theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, động đất kích thích trên là do hồ chứa nước. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra ở Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác khi hồ chứa thủy điện tích nước.

“Vấn đề là mối liên hệ giữa động đất với việc tích nước có mức độ nguy hiểm đến đâu để từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp là vấn đề cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Không chỉ hiện tượng động đất mà còn những vấn đề của hậu thủy điện cũng chưa được xử lý một cách trọn vẹn,” ông Tám nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Kết luận số 222/KT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, ngày 18/2/2022, cơ quan thanh tra đã chỉ rõ việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn chưa quan tâm đứng mức, dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Thực tế, tỉnh này quy hoạch 81 công trình thủy điện, chiếm gần 1.159 hécta đất rừng, có biểu hiện “chạy theo nhà đầu tư.” Đi kèm với đó là hàng loạt sai phạm về đất đai và pháp luật về môi trường.

Đơn cử như dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt sai phạm của doanh nghiệp, trong đó có sự thiếu trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum như: Không yêu cầu chủ đầu tư lập ĐTM khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109,5 hécta là trái quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chưa có quyết định cho chủ đầu tư dự án thủy điện Thượng Kon Tum thuê đất để làm bãi trữ và bãi thải, nhưng trong quá trình thi công, doanh nghiệp đã tự ý đổ hàng triệu m3 đất, đá thải, là trái quy định.

Cần có cơ chế xác định trách nhiệm, không đổ lỗi cho thiên nhiên

Không chỉ ảnh hưởng bởi động đất, những năm gần đây, người dân sinh sống ở thượng và hạ nguồn các dòng sông - nơi được chia cắt bởi các dự án nhà máy thủy điện ở miền Bắc (điển hình như Hà Giang, Cao Bằng), miền Trung (Quảng Nam, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế), Kon Tum, còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở ở hai bên bờ sông, sạt lở đường và cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Thậm chí, nhiều nhà máy khi xả lũ còn gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là cuốn trôi nhiều nhà cửa, vật dụng và vật nuôi của người dân như: Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại tỉnh Hà Giang, thủy điện Bản Vẽ tại tỉnh Nghệ An, thủy điện Đắc Mi 4 tại tỉnh Quảng Nam. Có thủy điện khi xả lũ còn cuốn trôi nhiều nhà mồ cùng hàng chục bộ hài cốt của dân, như thuỷ điện Thượng Nhật tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế' ảnh 4Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong phần chia sẻ của mình, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đã nêu lên một thực tế: “Tất cả chúng ta đều chưa quên tại hội trường này, của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận sôi động về hậu quả của thiên tai, bão lũ. Chúng ta cũng chưa quên những mất mát không tính được bằng tiền, đó là thiệt hại về tính mạng, những ảnh hưởng tới môi trường mà hàng trăm năm sau cũng chưa dễ khắc phục được.”

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết trong các báo cáo của Chính phủ vẫn đề ra kế hoạch như trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ có 4.479 dự án, đó là điều hoàn toàn đúng đắn trong lộ trình phát triển đất nước. Tuy vậy, những kế hoạch, chương trình này ở các mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường.

Vì thế, để giảm thiểu tất cả những tác động tiêu cực, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả những tác động môi trường và đề cao tính thực chất của ĐTM, tránh hời hợt hình thức; đặc biệt là cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.

Xác định những rủi ro cũng như giá trị của việc bảo vệ môi trường, trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thống nhất thông Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý.

Cùng với đó, Luật cũng đổi mới khi quy định thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết; hay tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường thành 1 loại giấy phép (giấy phép môi trường). Đây được xem là “liều thuốc” để ngăn ngừa, kiểm soát các hoạt động làm hại đến môi trường.

Tuy nhiên, để tạo ra được những bước chuyển thật sự tích cực cho môi trường, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là công tác thực thi ở các cấp cơ sở cần phải thực chất, tuyệt đối tránh làm mang tính hình thức.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội khoá XV Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội) cho rằng điều quan trọng là những người làm công tác thực thị có làm quyết liệt và có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để thực trạng trên hay không?

“Còn với môi trường, việc thanh tra, kiểm tra không phải là vấn đề khó. Ví dụ, những nơi có khả năng rủi ro, có thể đặt các trạm quan trắc hay thiết bị giám sát hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi có tin báo, phản ánh nơi nào đang xảy ra ô nhiễm thì các cơ quan chức năng cần phải khẩn trương cử lực lượng đến kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật,” đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm./.

[Bài 1: "Góc tối tàn khốc" ẩn sau hàng loạt đại công xưởng dọc dài đất nước]

[Bài 2: Quản lý dự án bằng "niềm tin": Doanh nghiệp “bỏ quên” môi trường, dân khốn đốn]

[Bài 3: "Lỗ hổng" thanh tra đột xuất giúp ô nhiễm “chui lọt” chủ trương]

Mời độc giả đón đọc Bài 5: “Mệnh lệnh” cuộc sống: Cần cuộc cách mạng “xanh” cho môi trường 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục