Qatar cấm thực phẩm làm từ côn trùng vì không phải là halal

Thông báo ngày 2/2 của Bộ Y tế Qatar nêu rõ các sản phẩm từ côn trùng không đáp ứng "những yêu cầu về quy định kỹ thuật đối với thực phẩm Halal."
Qatar cấm thực phẩm làm từ côn trùng vì không phải là halal ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: NCBC News)

Qatar đã yêu cầu người dân không ăn thực phẩm làm từ côn trùng, với lý do đó không phải là halal (thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo).

Trong một thông báo trên phương tiện truyền thông xã hội, Bộ Y tế Công cộng Qatar cho biết thực phẩm từ côn trùng đã bị cấm tại quốc gia này.

Qatar cho biết động thái này của họ diễn ra sau khi một số quốc gia "quyết định phê duyệt việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thực phẩm."

Dù không nói rõ là quốc gia nào, nhưng thông báo này được đưa ra một tuần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn việc sử dụng ấu trùng của một loại bọ cánh cứng nhỏ, được gọi là sâu bột nhỏ, và dế mèn trong sản xuất thực phẩm.

Sự chấp thuận này của Liên minh châu Âu đã gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên có thể thấy điều có vẻ lạ lẫm với nhiều người đã trở thành hiện thực, khi những sản phẩm này được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng.

[6 xu hướng thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong năm 2023]

 Điều đó có nghĩa là những món ăn nhẹ được làm từ côn trùng như dế đã tách một phần chất béo, hay một loại sâu nhỏ, đã được phép chế biến, bày bán và tiêu thụ trên khắp châu Âu.

Và cũng vì thế, Qatar đã ra quy định cấm sử dụng chúng như thực phẩm vì lý do tôn giáo.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Công cộng Qatar viết: "Liên quan đến những gì đang được lưu hành liên quan đến quyết định của một số quốc gia cho phép sử dụng côn trùng trong sản xuất thực phẩm, Bộ Y tế Công cộng nhấn mạnh rằng chúng tôi cấm các sản phẩm thực phẩm có chứa côn trùng trên thị trường vì nó không đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật thực phẩm halal."

Bộ này cho biết thêm lệnh cấm này phù hợp với các quy định có liên quan trong GCC (Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh) và các quan điểm tôn giáo của các cơ quan có thẩm quyền cấm việc tiêu thụ côn trùng và các protein, dưỡng chất bổ sung được chiết xuất từ chúng.

"Bộ Y tế Công cộng xác minh việc tuân thủ các yêu cầu thực phẩm Halal thông qua các cơ quan Hồi giáo được bộ công nhận và thông qua các phòng thí nghiệm được quốc tế cong nhận để xác định chính xác nguồn protein có trong các sản phẩm thực phẩm."

Qua đó, tất cả các sản phẩm có chứa côn trùng phải được dán nhãn rõ ràng.

Các học giả cho biết luật Hồi giáo không có quy định rõ ràng về việc côn trùng có thể ăn được hay không.

Tuy nhiên hầu hết đều nói châu chấu là halal, hoặc được phép ăn như những gì được đề cập trong kinh Koran.

Nhưng nhiều học giả theo luật Hồi giáo từ chối ăn các loại côn trùng khác vì chúng bị coi là ô uế.

Vì sao người ta lại ăn côn trùng?

Các nghiên cứu do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) thực hiện cho thấy một số loài côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao vì chúng chứa một lượng lớn chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Côn trùng từ lâu đã được sử dụng như nguồn cung cấp protein trong các cộng đồng trên khắp thế giới, nhưng mức độ tiêu thụ loại thực phẩm này đã bùng nổ gần đây khi áp lực tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho thịt và các loại thực phẩm khác ngày một gia tăng nhằm hạn chế tình trạng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, ăn côn trùng có giá trị bền vững hơn thịt đỏ.

Vài tháng trước, FAO đã xuất bản trên trang web chính thức của mình một bài viết với tựa đề “Hãy sẵn sàng chấp nhận ý tưởng về côn trùng có thể ăn được,” trong đó nêu ra 4 lý do cho thấy việc ăn côn trùng mở ra triển vọng tốt cho an ninh lương thực và vấn đề sinh kế.

Trước đó, lần đầu tiên Ủy ban Liên minh châu Âu đã phê duyệt việc buôn bán, sử dụng và tiêu thụ một loại thực phẩm mới là một loại bột đã tách một phần chất béo được lấy từ Acheta localus, một loài dế nhà.

EU hiện đã phê duyệt bốn loại côn trùng là được coi là “thực phẩm mới.”

4 loại côn trùng đã được ủy ban này cấp phép bao gồm ấu trùng Tenebrio molitor (loài sâu bột màu vàng) dạng đông lạnh, sấy khô và dạng bột; Locusta migratoria (một loài châu chấu di cư) dạng đông lạnh, sấy khô và dạng bột; Acheta domesticus (dế nhà) dạng đông lạnh, sấy khô và dạng bột; ấu trùng Alphitobius (một loại sâu bột nhỏ hơn) dạng đông lạnh, sấy khô và dạng bột.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu hiện cũng đang tiến hành đánh giá an toàn đối với tám loài côn trùng khác.

Theo quy định, tên của côn trùng phải xuất hiện trong danh sách thành phần của thực phẩm đóng gói sẵn. Ủy ban này cho biết sẽ yêu cầu ghi tên Latin của loài côn trùng ở các nhãn thực phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục