Quần đảo tranh chấp Anh-Argentina trưng cầu ý dân

Người dân sinh sống trên quần đảo Falklands/Malvinas sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý dân để quyết định tương lai quần đảo này.
Trong hai ngày 10-11/3, người dân sinh sống trên quần đảo Falklands/Malvinas tranh chấp giữa Anh và Argentina, tham gia cuộc trưng cầu ý dân để quyết định tương lai quần đảo này, bất chấp việc Argentina coi đây là một hành động bất hợp pháp.

Khoảng 1.600 người đủ tư cách đi bỏ phiếu sẽ trả lời câu hỏi liệu họ có muốn tiếp tục là một phần lãnh thổ ở hải ngoại thuộc quyền kiểm soát của Anh hay không.

Trước giờ các địa điểm bỏ phiếu mở cửa, cờ của Anh và Falklands đã được treo khắp nơi trên quần đảo ở Nam Đại Tây Dương này, nhằm phát đi hiệu rằng người dân nơi đây đã sẵn sàng ủng hộ việc nằm dưới quyền kiểm soát của London.

Quần đảo Malvinas/Falklands bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó lại bị đánh bại.

Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sĩ Argentina và 255 lính Anh. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, nhưng Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo Falklands và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn.

Bất đồng ngoại giao giữa Argentina và Anh gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi London cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.

[Anh điều tàu ngầm hạt nhân đến quần đảo Falkland]


Thời gian gần đây, Argentina đã gia tăng nỗ lực nhằm giành lại chủ quyền đối với quần đảo Malvinas. Tổng thống nước này Cristina Fernández hồi tháng 6/2012 đã có phát biểu tại Đại Hội đồng và Ủy ban Phi thực dân hóa của Liên hợp quốc, cáo buộc Anh "làm ngơ một cách có hệ thống" các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến quần đảo này.

Ngày 10/3, ComRes công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy 77% số người dân Anh được hỏi cho rằng những người sinh sống trên quần đảo Falklands nên tự quyết định tương lai của mình, trong khi 66% số người được hỏi nghĩ rằng London nên chọn giải pháp quân sự để đáp trả bất cứ mối đe dọa nào đối với quần đảo này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục