Quân đội của Trung Quốc sẽ 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu?

Theo Sách Xanh của Trung tâm về Biến đổi khí hậu thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, tỷ lệ tăng nhiệt độ trung bình thường niên của đất nước này cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Quân đội của Trung Quốc sẽ 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu? ảnh 1Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ ngập lụt tại trạm điện ở Khu tự trị Cam Tư thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 13/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng defenseone.com, trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang buộc quân đội các nước trên thế giới phải thích nghi với các điều kiện an ninh mới và suy tính về những “dấu chân carbon” (carbon footprint - lượng phát thải CO2 mỗi cá nhân, tổ chức, sự kiện sinh ra có thể gây hại đối với môi trường) của chính họ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hầu như lại chỉ im lặng.

Tuy nhiên, toàn bộ Chính phủ Trung Quốc lại không như thế. Chẳng hạn, ông Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ giảm phát thải khí carbon của đất nước bắt đầu từ năm 2030 và đến 2060 sẽ đạt được mức độ trung hòa hoàn toàn carbon. Mặc dù vậy, người ta không nghe thấy nhiều lời hứa hẹn tương tự từ phía các lãnh đạo cấp cao, các nhà hàn lâm và các chiến lược gia của PLA.

Mặc dù biến đổi khí hậu là một phần trong khái niệm về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống của lực lượng quân đội và dân quân Trung Quốc, song việc đối phó với các tác động của vấn đề này lại chưa phải là một phần trong chiến lược an ninh của họ.

Sự im lặng của PLA không phải là do Trung Quốc có phần nào cô lập trong vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Sách Xanh của Trung tâm về Biến đổi khí hậu thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc công bố hồi tháng 8/2021, tỷ lệ tăng nhiệt độ trung bình thường niên của đất nước này cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, trong đó 20 năm qua là giai đoạn nóng nhất tại Trung Quốc tính từ năm 1900, và năm 2020 là năm nóng nhất.

Sách Xanh này còn cho biết Trung Quốc đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể “các hiện tượng mưa cực đoan” trong vòng 80 năm qua, trong khi ở giai đoạn cùng kỳ thì số lượng ngày mưa trung bình hàng năm lại giảm. Nói cách khác, lượng mưa tại Trung Quốc không nhiều như trước kia, nhưng mỗi khi trời mưa thì các hiện tượng liên quan lại có xu hướng gây hại nhiều hơn là có lợi.

Những thay đổi mạnh mẽ này đang đặt ra hàng loạt vấn đề an ninh cho chế độ này và cả những yêu cầu đối với PLA. Sự gia tăng các cơn bão cực đoan đã xảy ra tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam hồi tháng 7/2021, đúng như dự kiến.

Chỉ trong vòng 3 ngày, một trận mưa như trút nước đã đổ xuống, bằng với lượng mưa thông thường của cả một năm ở khu vực này, khiến hơn 200.000 người phải sơ tán và ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 3 triệu người khác. Hơn 5.000 lính đã được điều đến khu vực này để khôi phục trật tự, sửa chữa các con đập và dọn dẹp các mảnh vỡ.

Trong khi đó, các khu vực khác lại chứng kiến lượng mưa ít đi, và điều này càng làm gia tăng áp lực về kinh tế-xã hội ở Trung Quốc. Các hồ chứa thủy điện đang cạn kiệt, làm giảm nguồn điện dự trữ để đối phó với mùa Hè ngày càng nóng nực hơn.

[Mỹ-Trung Quốc cam kết duy trì "liên lạc mở" trong quốc phòng]

Trong đợt nắng nóng vào tháng 5 vừa qua, tỉnh Quảng Đông đã ra lệnh đóng cửa các nhà máy để tránh sự cố sập lưới điện. Khi các nguồn nước ngọt giảm - sông Hoàng Hà được báo cáo là đã giảm 90% lượng nước kể từ năm 1940 - các nguồn nước dưới tiêu chuẩn có thể được khai thác để sử dụng trong các hộ gia đình.

Tuy nhiên, ước tính có tới 80% nguồn nước ngầm của Trung Quốc bị ô nhiễm bởi các vật liệu độc hại. Trong thời đại mà các kiến nghị về môi trường hằng năm trình lên Chính phủ Trung Quốc tăng từ 1,05 triệu của năm 2011 lên 1,77 triệu vào năm 2015, việc giảm khả năng tiếp cận nước sạch có thể sẽ kích động tình trạng bất ổn.

Có rất ít quốc gia phải chịu thiệt hại nhiều như Trung Quốc vì tình trạng băng tan và mực nước biển dâng trên toàn cầu. Theo một số ước tính, Trung Quốc chiếm hơn 30% những nhân tố bị ảnh hưởng trên toàn cầu vì mực nước biển tăng đáng kể. Nước này có tới 11.185 dặm đường bờ biển và hơn 6.700 hòn đảo.

Các trung tâm kinh tế đô thị lớn của nước này hầu hết đều nằm ở bờ biển phía Đông và các lưu vực sông đổ vào đó. Các nghiên cứu cho thấy mực nước biển tăng sẽ khiến ít nhất 30 triệu người Trung Quốc bị mất nhà cửa trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

Mực nước biển dâng cao cũng sẽ buộc các cơ sở hạ tầng và các lực lượng của PLA phải di dời. Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, các căn cứ ven biển ở tỉnh Hải Nam và tỉnh Giang Tô cũng đã trải qua tình trạng mực nước biển dâng cao nhanh hơn so với các địa điểm khác.

Một số tỉnh ven biển khác như Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây và Sơn Đông cũng phải hứng chịu tình trạng mực nước biển dâng cao hơn mức trung bình. Hàng loạt cơ sở hạ tầng của PLA trên các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng có nguy cơ phải hứng chịu thiệt hại.

Trong khi PLA có vẻ đề cao vấn đề an ninh năng lượng, thì việc cân nhắc một cách toàn diện mối đe dọa về khí hậu vẫn đang thiếu sự quan tâm đúng mực. PLA đã thiết lập một ủy ban các chuyên gia về khí hậu từ cách đây 13 năm, nhưng dường như ủy ban này không hoạt động. Tình trạng biến đổi khí hậu còn không được nhắc đến trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của PLA.

Quân đội của Trung Quốc sẽ 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu? ảnh 2Binh sỹ PLA tham gia một cuộc diễn tập. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bản thân PLA cũng không nghiêm túc chú trọng đến mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ vấn đề khí hậu để đưa vào các hoạt động huấn luyện hoặc trong tầm nhìn chiến lược của mình.

Hiện cũng chưa có cuộc thảo luận công khai nào về các hoạt động tập huấn hay mô phỏng các nỗ lực chống lại các tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường an ninh của Trung Quốc. Các hoạt động xây dựng tại các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông dường như cũng không hề chậm lại, bất chấp thực tế rằng rất nhiều thứ sẽ bị chìm dưới nước khi băng tan.

Tất cả những điều này đều trái ngược với các hoạt động của quân đội các nước khác ở trong và ngoài khu vực. Chẳng hạn, quân đội Australia đã bắt đầu đề cập đến vấn đề này từ cách đây hơn 1 thập kỷ trong Sách Trắng 2009 của họ. Tại Mỹ, các sự kiện liên quan đến khí hậu trở thành một phần trong các cuộc tập trận kể từ năm 2016.

Tháng 1/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp lên 79 cơ sở của Bộ Quốc phòng ở mọi nơi, đồng thời nói thêm rằng lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng đã tác động đến các cơ sở quân sự ở trong nước.

Kế hoạch Ứng phó với Khí hậu 2021 của bộ này đã kêu gọi xây dựng năng lực bền bỉ cho các cơ sở và đưa ra các hoạch định dựa trên các thông tin về vấn đề khí hậu, và Chiến lược Phòng vệ Quốc gia sắp tới dự kiến sẽ bao gồm những đánh giá về rủi ro đến từ khí hậu.

Tình trạng biến đổi khí hậu rốt cuộc sẽ buộc quân đội Trung Quốc phải tính đến một môi trường an ninh mới. Như Trotsky đã nói, PLA có thể không quan tâm đến biến đổi khí hậu, nhưng biến đổi khí hậu chắc chắn “quan tâm” đến họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục