Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính 2020

Chỉ số hài lòng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 75,68-95,76%, trong đó, nhóm cao nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính 2020 ảnh 1Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Chiều 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Khu vực Đông Nam Bộ có giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX cao nhất

Kết quả năm 2020 các bộ cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp tiếp tục là 3 đơn vị đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 90%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số PAR INDEX năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số PAR INDEX thấp nhất với giá trị 83,24%.

[Cải cách hành chính: Giảm thời gian đi lại, giảm chi phí xã hội]

Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019; đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

Chỉ số PAR INDEX năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính.

So sánh kết quả giữa năm 2019 và 2020 thì có 15/17 bộ đạt Chỉ số PAR INDEX tăng cao hơn so với năm 2019. Trong đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông Vận tải (+5.40%).

Hai bộ có kết quả Chỉ số PAR INDEX giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (-2,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (- 1%).

Phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, có 5/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2019 và 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2019. Đó là các chỉ số thành phần "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước" và "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức."

Đối với kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm.

Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng).

Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80%-dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70%-dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, Chỉ số PAR INDEX 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.

So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy có 38 đơn vị đạt Chỉ số PAR INDEX cao hơn giá trị trung bình của cả nước.

Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số PAR INDEX trên 80%. Trong khi đó, năm 2019 chỉ có 44 đơn vị và năm 2018 chỉ có 9 đơn vị thuộc nhóm này.

Có 58 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số PAR INDEX tăng cao hơn so với năm 2019. Địa phương tăng điểm cao nhất là Bến Tre (+9,42%), tăng thấp nhất là Thái Bình (+0,7%).

Mặc dù vậy, vẫn còn 5 địa phương có kết quả Chỉ số PAR INDEX giảm so với năm 2019 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Kiên Giang, trong đó, đơn vị giảm nhiều nhất là Phú Yên (-3,94%).

Trong năm 2020, cả 6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX tăng cao hơn so với năm 2019 và đều đạt giá trị trên 80%. Giá trị trung bình cao nhất là vùng kinh tế Đông Nam Bộ với kết quả đạt 85,88%; tiếp theo là khu vực Đồng bằng sông Hồng, đạt 85,51%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng kinh tế đạt giá trị thấp nhất, với kết quả là 81,41%.

Người dân mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Năm 2020 là năm thứ tư Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi cả nước.

Cũng như các năm trước, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) 2020 cung cấp một bộ các chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với 16 nhóm dịch vụ công thuộc 8 nhóm lĩnh vực được cung ứng tại 3 cấp hành chính ở địa phương.

Kết quả cho thấy có 5,13% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 63/63 tỉnh.

Có 1,23% người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu; 0,59% người dân, tổ chức phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí - hay còn gọi là tiền "bôi trơn."

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2020 là 85,48%.

Chỉ số hài lòng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 75,68-95,76% với giá trị trung vị là 85,17%. Khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là 20,08%.

Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm cao nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kiên Giang và Bình Phước.

Trong ba cấp hành chính, cấp xã có chỉ số hài lòng cao nhất (88,18%) và cấp tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất (85,43%).

Trong 8 nhóm lĩnh vực, nhóm lĩnh vực giao thông, vận tải có chỉ số hài lòng cao nhất (89,88%) và nhóm lĩnh vực đất đai, môi trường có chỉ số hài lòng thấp nhất (83,20%).

Ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi nhất trong số 12 nội dung được lấy ý kiến năm 2020 là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, với số người dân, tổ chức mong đợi chiếm 54,02%; bên cạnh đó là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Chỉ số SIPAS nói chung tăng dần qua mỗi năm kể từ năm 2017-2020, từ 80,90% lên 85,48%. Khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có Chỉ số hài lòng thấp nhất được thu hẹp dần, từ 28,05% xuống 20,08%.

21/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức tăng bền vững, 41/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng tăng, giảm giữa các năm và 1/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng giảm dần.

Số lượng các tỉnh có Chỉ số hài lòng ở mức dưới 80% giảm mạnh, từ 32 tỉnh vào năm 2017 xuống 22 tỉnh năm 2018, 10 tỉnh năm 2019 và 7 tỉnh năm 2020.

Hai nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi nhiều nhất trong suốt 4 năm qua là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi nhiều thứ 3, kể từ năm 2017-2019, là tăng cường các hình thức thông tin và đến năm 2020, là tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện.

Chỉ số SIPAS 2020 đã phản ánh kịp thời tác động của đại dịch COVID-19 đối với người dân, làm thay đổi nhu cầu, mong đợi của người dân về phương thức cung ứng dịch vụ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục