Quốc hội Venezuela bãi bỏ sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp

Quốc hội Venezuela đã bãi bỏ sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp của Tổng thống Nicolas Maduro, vốn ban hành với mục đích đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay tại nước này.
Quốc hội Venezuela bãi bỏ sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp ảnh 1Quốc hội Venezuela bãi bỏ sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp của Tổng thống Nicolas Maduro. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/1, Quốc hội Venezuela đã bãi bỏ sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp của Tổng thống Nicolas Maduro, vốn ban hành với mục đích đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong phiên bỏ phiếu tại Quốc hội, 107 nghị sỹ phe đối lập trong tổng số 167 thành viên cơ quan lập pháp đã bỏ phiếu chống, trong khi 53 nghị sỹ của phe cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ.

Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập cho biết không thông qua sắc lệnh trên bởi lý do mà Tổng thống Maduro đưa ra chưa thuyết phục và bước đi của chính phủ sẽ không giải quyết được các khó khăn hiện nay.

Tổng thống Maduro cho rằng với quyết định này, phe đối lập đã quay lưng lại với tình hình khó khăn của đất nước và lựa chọn hình thức đối đầu với chính phủ.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello, nhân vật quyền lực thứ hai của phe cầm quyền, cho rằng hành động của Quốc hội cản trở Tổng thống Maduro đưa ra những chính sách cần thiết để giải quyết các khó khăn kinh tế.

Các nghị sỹ thuộc phe cầm quyền tố cáo đây là những toan tính chính trị của phe đối lập gây áp lực để Tổng thống Maduro phải từ chức.

Với quyết định trên của Quốc hội, sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp ban bố hôm 15/1 đã mất hiệu lực. Tổng thống Maduro cho biết đây là bước đi nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như giáo dục, sức khỏe, nhà ở và y tế, trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng trầm trọng do giá dầu lao dốc.

Trong những ngày này, giá dầu xuất khẩu của Venezuela chỉ ở mức 21 USD/thùng, chạm "đáy" của 12 năm gần đây. Dầu khí chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela và chỉ đạt 42,5 tỷ USD năm ngoái so với 74 tỷ USD năm 2014.

Hiện dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Ngoài ra, nước này hiện đang phải đương đầu với tình trạng khan hiếm lương thực và nhu yếu phẩm, cũng như tỷ lệ lạm phát cao.

Trong khi đó, báo cáo cùng ngày của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết lạm phát của Venezuela có thể tăng hơn g ấp đôi trong năm 2016, đạt 720%. Theo Giám đốc Khu vực Tây bán cầu của IMF Alejandro Werner, những khó khăn kinh tế của Venezuela đang dẫn tới sự thiếu hụt lan rộng và "gây thiệt hại trầm trọng."

Hiện Venezuela có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và IMF ước rằng lạm phát của quốc gia này trong năm 2015 ở mức 275%.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Venezuela đã công bố số liệu kinh tế lần đầu tiên trong hơn một năm qua, theo đó cho biết lạm phát đã đạt 141,5% trong tháng 9/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục