Hơn 80 quốc gia, các công ty tư nhân và tổ chức quốc tế tuyên bố sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quan hệ đối tác toàn cầu để cải thiện môi trường các đại dương. Tại cuộc họp về Ngày Đại dương (Oceans day) diễn ra vào thứ Bảy (16/6) tại Rio de Janeiro (Brazil), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio+20, các quốc gia và các nhóm xã hội dân sự, cùng các công ty tư nhân và các tổ chức quốc tế đã tuyên bố hỗ trợ cho Quan hệ đối tác toàn cầu Đại dương mới (GPO). Đây là tín hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc cùng nhau thực hiện mục tiêu khôi phục lại môi trường trong sạch cho các đại dương phục vụ con người. Cho đến nay, 13 quốc gia, 27 nhóm xã hội dân sự, 17 công ty khu vực tư nhân và các hiệp hội, bảy tổ chức nghiên cứu, cơ quan Liên hợp quốc và các công ước, các tổ chức khu vực và đa phương cùng 7 cơ sở tư nhân đã sẵn sàng cam kết hỗ trợ GPO. Dự kiến con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian từ nay đến Hội nghị chính thức Rio+20. Đặc biệt, trong số 83 nhóm ủng hộ trên, có cả những công ty thu mua thủy sản lớn nhất trên thế giới, đại diện cho hơn 6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm doanh số bán hàng hải sản, cũng như một trong những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới. Quan hệ đối tác toàn cầu cho các đại dương là một liên minh mới và đa dạng của xã hội công cộng, tư nhân, dân sự, giới nghiên cứu với lợi ích đa phương là cải thiện và nâng cao môi trường cho các đại dương ngày càng lành mạnh và phục vụ con người hiệu quả hơn. Tuyên bố này được Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick lần đầu tiên công bố vào tháng 2/2012, tại Hội nghị thượng đỉnh về Đại dương Thế giới. Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Rachel Kyte, khẳng định Quan hệ đối tác toàn cầu về Đại dương (GPO) đã thu hút được hỗ trợ rất lớn từ các chính phủ cũng như các khu vực kinh tế, các tổ chức dân sự và giới học giả. "Mọi người đều hưởng lợi nếu các đại dương được bảo vệ tốt hơn, quản lý tốt hơn và nâng cao sự hiểu biết đối với việc cung cấp các dịch vụ về hệ sinh thái biển," bà Rachel Kyte nhấn mạnh. Trước đó, trong một báo cáo nhấn mạnh về 6 trọng tâm then chốt cần được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Rio+20 lần này, WB cũng cho biết các đại dương hiện cung cấp tới 15% tổng lượng protein toàn cầu, cung cấp an ninh lương thực, bảo vệ bờ biển và an ninh kinh tế cho nhiều tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên do quản lý kém, phát triển và ô nhiễm, 85% nguồn hải sản bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt, 20% rặng san hô đã bị phá hủy, “vì vậy, Hội nghị Rio+20 cần các nước cam kết cải thiện quản lý các đại dương để tăng cường an ninh lương thực, giảm ô nhiễm và tăng diện tích các khu vực được bảo vệ trên các đại dương,” bà Rachel Kyte nói. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các đại dương, Bộ trưởng Bộ Phát triển Heikki Holmas của Na Uy cũng nhấn mạnh: "Na Uy hỗ trợ quan hệ đối tác toàn cầu đối với đại dương bởi vì nó củng cố nỗ lực toàn cầu để đảm bảo sử dụng bền vững đại dương, trong đó hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp. GPO là cần thiết để đảm bảo sự chia sẻ công bằng cũng như quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên đại dương." Là một trong những đối tác quan trọng của Ngày Đại dương lần này, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của Đại dương cũng như cam kết cùng cộng đồng quốc tế cải thiện môi trường quan trọng này. “Trước đây chúng ta quá quan tâm đến biến đổi khí hậu, mà chưa thực sự coi trọng các nguồn lực từ đại dương. Một phần cũng vì do Việt Nam còn là một nước đang phát triển, chưa có nhiều nguồn lực để bảo vệ và khai thác tài nguyên biển. Nhưng tôi tin rằng, đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng bắt tay làm một điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho các đại dương của chúng ta,” ông Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu đến từ Việt Nam cho hay./.
Để giải quyết những mối đe dọa, Quan hệ đối tác toàn cầu Đại dương mới (GPO) tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm: • Thủy sản bền vững và sinh kế từ nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; • Môi trường sống và đa dạng sinh học biển và ven biển; • Giảm ô nhiễm. Trong số các mục tiêu trên, tuyên bố GPO đã nhất trí về mục tiêu tăng đáng kể sản lượng toàn cầu thức ăn cho cá từ nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm một nửa tỷ lệ hiện tại của việc mất môi trường sống tự nhiên, gia tăng các khu vực quản lý hàng hải và bảo vệ ít nhất 10% biển và khu vực ven biển đồng thời giảm ô nhiễm biển, đặc biệt là từ rác thải biển, nước thải và chất dinh dưỡng dư thừa./. |
Mỹ Bình/Rio de Janeiro (Vietnam+)