Theo thông tin từ Đài Khí tượng và thủy văn tỉnh Lào Cai, mặc dù đã bước vào cuối tháng Tư nhưng đêm 24/4, không khí lạnh ảnh hưởng xuống Lào Cai đạt ngưỡng mạnh nhất, nhiệt độ các địa phương giảm xuống mức cực tiểu; rét đậm, rét hại bao phủ nhiều nơi ở địa phương này.
Lúc 7 giờ ngày 25/4, các trạm khí tượng trong khu vực quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ở các nơi như sau: thành phố Lào Cai 16,7 độ C; Phố Ràng (Bảo Yên) 16 độ C; thị trấn Bắc Hà rét hại 11,8 độ C; Khu du lịch quốc gia Sa Pa giảm còn 7,1 độ C.
[Bắc Bộ tiếp tục mưa rét, Tây Bắc, Việt Bắc đối mặt nguy cơ lũ quét]
Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất ghi nhận được ở các địa phương do đợt "rét nàng Bân" gây ra.
Trong tháng 4/2020, tỉnh Lào Cai đã phải hứng chịu 4 đợt "rét nàng Bân."
Trước đó, cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tràn xuống, ngày 14/4, nhiệt độ tại Sa Pa giảm còn 6,2 độ C.
Dự báo ngày và đêm 25/4, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm, nhiệt độ tại các địa phương ít biến đổi, sau tăng nhẹ.
Trong khi đó, vùng hội tụ gió trên cao cũng suy yếu khiến mưa giảm cả về lượng và diện, vùng núi trời rét đậm, các vùng núi cao rét hại vẫn bao trùm.
Đêm 25/4, nhiệt độ thấp nhất nhích lên 17-18 độ C, vùng cao trong khoảng 12-13 độ C, thị xã Sa Pa vẫn thấp nhất, khoảng 8-9 độ C.
Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện một số hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông lốc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời người dân chủ động ứng phó.
Cụ thể: Cần khuyến cáo và giúp đỡ người dân nhất là ở các địa bàn vùng cao gia cố, bảo vệ mái nhà bằng các vật liệu dễ bị tốc, vỡ như proximăng, ngói; che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra dông lốc, sét và mưa đá, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống.
Chính quyền các địa phương có thiên tai xảy ra tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân bị ảnh hưởng; bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ giúp người dân dọn dẹp nhà ở, vệ sinh môi trường, tránh để dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, cần vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, khôi phục, sửa chữa nhà ở để sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất; triển khai lực lượng cảnh báo, canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn cho người dân, sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn./.