Sẵn sàng phòng chống cháy rừng tại Khu di tích Gò Tháp

Các phương tiện PCCC, hậu cần, lực lượng và chỉ huy đã túc trực tại Khu di tích Gò Tháp, Đồng Tháp, sẵn sàng ứng phó với dự báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm.
Sẵn sàng phòng chống cháy rừng tại Khu di tích Gò Tháp ảnh 1Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện dập lửa. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Hiện Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp đã được Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp báo động dự báo cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh ở khu vực rừng tràm và khu vực đồng cỏ sau đền thờ hai vị Anh hùng Đồng Tháp Mười trong thời kỳ chống Pháp là Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Đây là một trong sáu điểm cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm tại Đồng Tháp.

Trước tình hình trên, Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng Khu di tích Gò Tháp chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra, đồng thời đề nghị bơm thêm nước và đóng cống đập giữ nước, chuẩn bị các phương tiện chữa cháy, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, có người trực thường xuyên tại các đài quan sát trực 24/24 giờ những nơi có dự báo cháy cao...

Nằm ở phía bắc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp có tổng diện tích hơn 300ha, trong đó có 150ha rừng tràm từ 7-9 năm, còn lại là đồng cỏ.

Để phòng chống cháy rừng, Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng Khu di tích đã chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ": Phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

Ông Ngô Văn Thái, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng Khu di tích cho biết, tại Khu di tích đã bố trí lực lượng tại chỗ hơn 40 người, đào 8m kênh dẫn nước, xây dựng tám chốt bảo vệ và đài quan sát.

Hiện nay có ba trạm bơm, mỗi máy bơm có công suất 1.500m3/giờ thường xuyên bơm nước tạo độ ẩm cho rừng trong khu di tích; dọn cỏ tạo đường băng trắng dài hơn 1,2km, rộng 6 mét để phòng ngừa ngăn lửa trong công tác phòng chống cháy rừng; trang bị hơn 500 mét dây chữa cháy và 90 biển báo, biển cấm phòng chống cháy rừng…

Khu di tích Gò Tháp hội tụ cả ba loại hình di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong mùa nắng.

Ngoài giá trị khảo cổ, lịch sử, Gò Tháp được xem là tâm điểm của vùng Đồng Tháp Mười, một trong số ít nơi còn lưu giữ nét hoang sơ của thiên nhiên với những thảm thực vật phong phú đặt trưng của vùng đất ngập nước.

Hiện nay Gò Tháp được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể với diện tích 300ha, trong đó có khu rừng sinh thái hơn 150ha. Môi trường sinh thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu vết hoang dã đã và đang được bảo tồn các thảm thực vật, động vật như tràm, sen, sậy, năng, lúa trời, trăn, rắn, các loài chim cá.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục