Ngày 7/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 và triển khai công tác năm 2015.
Thay mặt Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, cho biết năm 2014 có năm cơn bão và ba áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Các cơn bão số 2, số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có hướng di chuyển đơn giản, nhưng diễn biến phức tạp về cường độ, gây mưa lớn dẫn đến lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.
Ngoài ra, tình trạng hạn hán, thiếu nước diễn ra ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, tập trung chính tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên cũng gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các đợt lốc xoáy mạnh, dông, sét, mưa đã cũng gây thiệt hại nhiều về người và tài sản...
Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên đôn đốc các đơn vị trực thuộc, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương để tăng cường công tác dự báo phục vụ phòng, chống thiên tai và các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng các văn bản Thủ tướng Chính phủ giao để triển khai Luật phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, cảnh báo và dự báo sát diễn biến của ba áp thấp nhiệt đới và năm cơn bão; 25 đợt không khí lạnh, bốn đợt rét đậm, rét hại; 14 đợt nắng nóng diện rộng; 31 đợt mưa lớn; 20 đợt lũ trên phạm vi cả nước.
Theo nhận định của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2015 tình hình thời tiết, thủy văn sẽ diễn biến phức tạp hơn. Dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng lũ quét, sạt lở đất xuất hiện nhiều hơn so với năm 2014. Tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung bộ đến khoảng tháng 9/2015 mới dần được cải thiện. Xâm nhập mặn sâu, độ mặn tăng cao và kéo dài đến hết tháng 5/2015 ở Nam bộ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc biểu dương những cố gắng, nỗ lực lớn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2014.
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh năm 2015, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, các thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa bản tin khí tượng thủy văn, phục vụ ngày càng tốt hơn công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và của cộng đồng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các đơn vị thuộc Bộ chủ động tổ chức tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; cử cán bộ thường trực khi xảy ra thiên tai và làm tốt công tác phối hợp với địa phương khi có yêu cầu.
Các đơn vị tổ chức, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng cao chất lượng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Bên cạnh đó, các đơn vị chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, cập nhật và xây dựng bản đồ xác định nguy cơ nước dâng do siêu bão cho dải ven biển Việt Nam, phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó; thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm nhằm nâng cao hiệu quả phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.