Đối với các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cần có hình thức, biện pháp quản lý thống nhất.
Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, thanh đồng tại tọa đàm “Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ ở Hà Nội” diễn ra sáng nay (28/11), tại Hà Nội.
Thiếu mô hình quản lý thống nhất
“Hiện nay, ở Hà Nội, cơ quan quản lý không có hình thức quản lý cụ thể nào về hầu đồng. Điều đó dẫn đến việc ai muốn làm gì thì làm, thích lên đồng theo cách thức nào thì tùy và muốn xây dựng, sửa chữa các đền, phủ theo hình thức nào thì làm một cách tùy tiện,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhìn nhận.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng này bao gồm nhiều hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, khoảng 70% số thanh đồng thiếu những hiểu biết, kiến thức chuẩn về tín ngưỡng thờ Mẫu. “Chính điều này đã dẫn đến những biến tướng, lệch chuẩn ở những sinh hoạt liên quan đến tín ngưỡng này trong đời sống hiện nay,” ông Thịnh nói.
Điều đó được thể hiện cụ thể qua việc các thanh đồng tự ý thay đổi y phục, cách thức hát chầu văn, đưa những điệu nhạc không phù hợp (như bài dân ca Bắc Bộ “Cây trúc xinh”) vào diễn xướng…
Có cùng quan điểm trên, giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Việc quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các các đền, phủ ở Hà Nội là một vấn đề không mới. Nó đã được đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được mô hình, cách thức quản lý.”
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, giáo sư Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: Hiện nay, các nhà quản lý và không ít nhà nghiên cứu đang có sự nhầm lẫn về khái niệm. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phân biệt rất rõ hai cụm vấn đề: bảo tồn-phát huy giá trị di sản và thừa kế-phát triển di sản.
“Thế nhưng, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn nhầm lẫn rằng: bảo tồn-phát triển di sản. Bởi thế, di sản không được bảo tồn đúng nghĩa và phát triển thì lại theo hướng lệch lạc, dẫn tới việc phá hoại di sản độc đáo của cha ông,” Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá.
Nhìn nhận cụ thể vào trường hợp quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các các đền, phủ ở Hà Nội, giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, cơ quan chức năng cần xây dựng bộ khung quản lý thống nhất, dựa trên tinh thần khôi phục, bảo tồn những giá trị gốc, cốt lõi của di sản.
“Đã liên quan đến phương diện tâm linh, chúng ta cần giữ cho nghiêm những lề thói, quy chuẩn của cha ông,” giáo sư nhấn mạnh.
Tăng cường đối thoại
Đứng ở một góc độ khác, bà Nguyễn Kim Loan (Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam) cũng cho rằng, do thiếu sự quản lý và định hướng thống nhất nên sự lãng phí, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng này vẫn xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.
“Có những giá đồng, người ta đốt vàng mã trị giá tới 50 triệu đồng và phát lộc bằng tiền trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hơn thế nữa,” bà Loan cho biết.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hạnh, Trưởng ban quản lý Đền Rừng (Long Biên, Hà Nội) cũng là một thanh đồng cho rằng, cơ quan nhà nước có sự thống nhất trang phục, các vật phẩm cung tiến và cách thức xây dựng, sửa chữa các đền, phủ… để tránh hiện tượng trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Hiện nay, việc bài trí tùy tiện, sai lệch so với cổ bản diễn ra ở nhiều đền, phủ. Nhiều nhân thần được đưa vào thờ tại các đền, phủ mà tôi cũng không biết là ai,” bà Hạnh cho biết.
Từ đó, các thanh đồng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và các thanh đồng cần có sự tiếp xúc, trao đổi thông tin thường xuyên hơn để đưa các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng này về đúng quỹ đạo chuẩn./.
Tọa đàm “Bàn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ ở Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ “Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu-Hà Nội 2014.”
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, liên hoan nhằm kiểm kê loại hình di sản này trên địa bàn Thủ đô. Trên cơ sở đó, sở có phương án quản lý những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu (để các hoạt động trang sáng, lành mạnh, đúng nghi thức); đồng thời, tạo cơ sở để nhận thức của công chúng về hoạt động này đồng nhất hơn.