Chiều 29/5, tại Hà Nội, tiến sỹ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Jochem Lange, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã ký văn bản Thỏa thuận thực hiện và chính thức khởi động dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Cùng với nỗ lực chung của toàn thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu như Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược Quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai…
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức xây dựng dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam (EbA)”, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Đức (2014-2019).
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với GIZ, các địa phương tham gia dự án để triển khai thành công dự án, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu liên quan đến ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hy vọng dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” sẽ triển khai thành công, đạt được những mục tiêu đã đề ra và sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tiếp tục phát triển và mở rộng trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng và lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh nói chung.
Ông Ulrich Nicklas, đại diện Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao mối quan hệ truyền thống hợp tác lâu bền và toàn diện giữa Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như với các cơ quan Nhà nước khác.
Việt Nam là đối tác ưu tiên của Sáng kiến khí hậu quốc tế. Kể từ năm 2008, đã có tổng cộng 39 dự án song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực giảm thiểu, thích ứng, hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học đã được hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam.
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), ông Jochem Lange cũng cho rằng với dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Chính phủ Đức và GIZ sẽ cùng Việt Nam thực hiện dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dùng nguồn lực chuyên môn của GIZ và kinh nghiệm quốc tế.
Dự án nhằm lồng ghép phương pháp EbA vào chính sách thích ứng quốc gia, tập trung vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển. GIZ sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đối tác trong lĩnh vực này. Các kinh nghiệm thực hiện trong khuôn khổ dự án cũng sẽ được đưa ra trao đổi và chia sẻ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” là dự án hỗ trợ kỹ thuật giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức trong đó Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là hai cơ quan triển khai dự án.
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng các biện pháp đổi mới và hiệu quả, các chiến lược và các hướng dẫn chính sách thích ứng dựa vào hệ sinh thái trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển. Các biện pháp này phải được lồng ghép một cách có hệ thống trong chính sách thích ứng quốc gia và triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Dự án sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính, gồm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các bên tham gia ở cấp trung ương và các tỉnh về lồng ghép và thực hiện thích ứng dựa vào hệ sinh thái; thí điểm và nhân rộng các biện pháp thích ứng; lồng ghép thích ứng dựa vào hệ sinh thái với chính sách thích ứng khí hậu quốc gia và các khuôn khổ pháp lý liên quan, hỗ trợ để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn trong nước và quốc tế cũng như tìm kiếm các nguồn tài chính cho các tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái./.