Được đầu tư từ nguồn vốn ODA hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án "Phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam," được triển khai trong giai đoạn 2006-2013, là một phần quan trọng của Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Đảng và Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin với một số đích đến quan trọng là: 1 triệu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng băng thông rộng trên phạm vi quốc gia và công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng trong mọi mặt cuộc sống…
Nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược trên, tháng 6/2006, Dự án “Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam” được triển khai với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng; trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị điều phối toàn dự án.
Với thành công khá toàn diện, Phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam đã tạo ra một nền móng vững chắc, môi trường sẵn sàng cho việc triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, Dự án giúp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện khung Chính phủ điện tử cho các Bộ và địa phương; giúp Tổng Cục Thống kê hoàn thiện Kiến trúc tổng thể; giúp thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hà Nội xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử, thành phố Đà Nẵng triển khai Quy hoạch quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Nhân tố con người luôn là nhân tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự thành bại của việc phát triển công nghệ thông tin. Hiểu được tầm quan trọng đó, Dự án đã tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ quản lý Nhà nước cũng như một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên 500 Lãnh đạo thông tin (CIO) của các Bộ, Ban, Ngành, các tỉnh thành phố trên cả nước và một bộ phận doanh nghiệp và hơn 1.000 cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông và một bộ phận các doanh nghiệp đã được đào tạo tập huấn, nâng cao ý thức và nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong các hợp phần khác của Dự án (Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Đà Nẵng), trên 1.000 cán bộ được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là một mục tiêu quan trọng của Dự án. Các trung tâm dữ liệu công suất lớn được xây dựng cho Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Đà Nẵng và Hà Nội nhằm lưu trữ thông tin tập trung thống nhất, cài đặt các dịch vụ công phục vụ công tác quản lý nhà nước tại Bộ và các địa phương. Tiểu dự án Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hệ thống truyền thông hợp nhất, hội nghị truyền hình, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh,… tăng cường kết nối giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan trực thuộc. Trang bị hệ thống hội nghị truyền hình, máy chủ, hơn 100 mạng LAN, trên 1.000 máy tính,… nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 12 tỉnh, thành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước tại các địa phương. Ngoài ra, cũng nâng cấp Root CA phục vụ triển khai chữ ký số và Chính phủ điện tử, xây dựng trung tâm đo kiểm đánh giá các giải pháp công nghệ thông tin cho việc phát triển Chính phủ điện tử.
Tại Đà Nẵng, trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin-truyền thông được xây dựng nhằm hỗ trợ quản lý, khai thác và ứng dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng về công nghệ thông tin-truyền thông; Tổng đài hành chính công Đà Nẵng ra đời, cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế-xã hội… Tại đây đã hình thành Mạng đô thị Thành phố kết nối trên 90 Sở, Ban, Ngành và đặc biệt là trên 170 điểm kết nối Wi-Fi trải khắp thành phố, phục vụ miễn phí người dân và khách du lịch. Đồng thời hệ thống quản lý giao thông công cộng thông minh với hơn 100 xe buýt được lắp thiết bị định vị toàn cầu, lịch trình xe buýt truy cập thông qua ứng dụng mobile hay website. Các hệ thống đăng ký bằng lái xe, đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đã được hoàn thành và sẽ sớm đưa vào sử dụng.
Tiểu dự án Tổng cục Thống kê giúp thiết kế lại các quy trình công việc, hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin tập trung; xây dựng mạng lưới kết nối Tổng cục Thống kê với 40/63 Chi cục thống kê; hình thành Hệ thống thu thập thông tin thống kê (SSIC) và Hệ thống thông tin đầu mối dữ liệu thống kê (SHS); cho phép chuyển và phân tích dữ liệu theo thời gian thực; quét dữ liệu giảm thời gian thu thập và phân tích dữ liệu từ 24 tháng xuống còn 12 tháng (nhanh hơn 2 lần so với quy trình cũ).
Một thành công nổi bật nữa của Dự án Phát triển công nghệ thông tin-truyền thông là đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến (G2G, G2C, G2B). Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành triển khai để đưa vào sử dụng 3 dịch vụ công trực tuyến (đăng ký tần số, đăng ký xuất bản, đăng ký danh mục xuất bản các ấn phẩm nhập khẩu), giảm thời gian đăng ký 40%. Bên cạnh đó, Dự án còn phát triển hệ thống thông tin hợp nhất, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và Trung tâm dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng cục Thống kê triển khai Hệ thống thông tin đầu mối dữ liệu thống kê đưa việc truy cập của người dân và doanh nghiệp đối với các dữ liệu thống kê lên một bước mới. Tổng đài hành chính công Đà Nẵng thì cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế-xã hội, cổng đào tạo trực tuyến với hơn 400 khóa đào tạo công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm.
Trong khi đó, Cổng thông tin thành phố Hà Nội sẽ cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tiến hành xây dựng Hệ thống cung cấp visa điện tử, đang được triển khai lắp đặt tại 95 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, dự định đưa vào sử dụng quý I/2014.
Đánh giá về chặng đường phát triển Dự án, ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam chia sẻ: “Dự án bước đầu đã tạo ra nền móng vững chắc, môi trường sẵn sàng cho việc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông và triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính."
Dự án cũng giúp đào tạo, nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý Nhà nước cũng như một bộ phận doanh nghiệp, đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông ở các bộ, ngành và một số địa phương tiêu biểu; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông,” ông Phạm Quang Tú chia sẻ thêm./.