Thái Lan bán tháo gạo, thị trường bất ổn

Thái Lan bán tháo gạo, thị trường thế giới trở nên bất ổn

Giá gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm do Thái Lan buộc phải bán tháo số gạo tồn kho mà Chính phủ nước này đã mua theo chương trình trợ giá lúa gạo.
Thái Lan bán tháo gạo, thị trường thế giới trở nên bất ổn ảnh 1Một kho dự trữ gạo của Thái Lan. (Nguồn: Reuters)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm do Thái Lan buộc phải bán tháo số gạo tồn kho mà Chính phủ nước này đã mua theo chương trình trợ giá lúa gạo để giải phóng kho chứa và trả tiền cho nông dân.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới - sang Trung Quốc và châu Phi sẽ giảm trong năm nay do sự cạnh tranh từ Thái Lan cũng như Ấn Độ và Pakistan đều tăng trong lúc thị trường gạo toàn cầu đang rơi vào tình trạng dư cung.

Để đối phó với sự cạnh tranh quyết liệt đó, Chủ tịch VFA cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực xúc tiến thương mại tại Trung Quốc bởi đó là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc sẽ yêu cầu chúng tôi phải giảm giá do những áp lực từ việc bán gạo của Thái Lan.”

Ông Phong cho biết thêm: “Trong hai năm qua, thị trường gạo thế giới đã phải chứng kiến sự cạnh tranh hết sức quyết liệt do tình trạng dư cung toàn cầu.” Năm nay, giá gạo thế giới sẽ giảm do bị chi phối bởi giá gạo của Thái Lan.

Năm ngoái, giá gạo trắng 5% tấm mới thu hoạch của Thái Lan đã sụt giảm 23%. Vào ngày 12/2, giá loại gạo này chỉ còn 460 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo cùng phẩm chất của Việt Nam là khoảng 395USD/tấn, cao hơn so với giá gạo Thái được thu hoạch trong niên vụ trước (370USD/tấn).

Theo số liệu của VFA, năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 6,68 triệu tấn gạo, thấp nhất trong vòng bốn năm qua. Năm 2014, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn, trong đó 1,2 triệu tấn được xuất khẩu trong quý 1 và 3,5 triệu tấn trong nửa đầu năm nay.

Lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể sẽ giảm 9,1% xuống còn 2 triệu tấn trong năm nay. Xuất khẩu tiểu ngạch cũng sẽ giảm xuống còn 1,1 triệu tấn so với con số ước từ 1,4-1,5 triệu tấn trong năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Thái Lan đã chi 689 tỷ baht (21 tỷ USD) trong hai năm qua để mua gạo từ nông dân với mục đích tăng thu nhập ở khu vực nông thôn.

Động thái này đã làm tăng lượng gạo trong kho dự trữ quốc gia của Thái Lan từ 6,1 triệu tấn trong năm 2010 lên 14,7 triệu tấn trong năm nay.

Chương trình trợ giá lúa gạo dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng này bởi vì, Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck không có đủ thẩm quyền để gia hạn chương trình này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan cho biết trong quý 1/2014, nước này dự định sẽ bán trung bình khoảng 1 triệu tấn gạo/tháng từ kho dự trữ.

Trước đó, hôm 5/2, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chareon Laothamatas dự báo sẽ mất khoảng 5 năm để nước này bán hết được số gạo tồn trong kho dự trữ quốc gia và rất có thể giá gạo sẽ sụt giảm khi có thêm gạo tồn kho được bán ra.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc - nước nhập khẩu gạo lớn nhất trên thế giới - dự kiến sẽ nhập khẩu 3,4 triệu tấn gạo trong năm 2014.

Ngày 4/2, Bộ trưởng Niwattumrong cho biết tỉnh Hắc Long Giang đã dừng kế hoạch mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan do những lo ngại về cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ Thái Lan.

Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia của Thái Lan cho biết đã có đủ bằng chứng để buộc tội Thủ tướng Yingluck xao lãng trách nhiệm trong việc giám sát chương trình đã gây ra thiệt hại nặng nề này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục