Tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào lần thứ 2

Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến dự báo dòng chảy và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.
Tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào lần thứ 2 ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngày 15/1, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào lần thứ 2.

Hội thảo được tổ chức nhằm thông tin về công tác xây dựng Báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế về các tài liệu của Dự án thủy điện Pak Lay; lấy ý kiến chuyên gia đối với Dự án thủy điện Pak Lay nói riêng và các công trình thủy điện dòng chính Mekong nói chung; góp ý với Ủy ban sông Mekong Việt Nam về các hoạt động tham vấn trong các vấn đề có liên quan trong lưu vực sông Mekong trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho biết trong thời gian gần đây, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong. Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn, rất quan tâm về các tác động bất lợi của hoạt động phát triển này đến môi trường, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mối quan tâm của Việt Nam đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ, mà cả tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mekong và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

[Đánh giá tác động môi trường đập Pak Lay sao chép từ đập Pak Beng]

Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam Lê Đức Trung cho biết sau vòng tham vấn đầu tiên của các quốc gia và vùng, tổ chức trong tháng 9 -10/2018, hiện nay, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đã cập nhật Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay, trên cơ sở đánh giá các tài liệu do Lào cung cấp, bao gồm các lĩnh vực chế độ dòng chảy; phù sa bùn cát; chất lượng nước, sinh thái, thủy sản; giao thông thủy; an toàn đập; kinh tế-xã hội.

Mỗi lĩnh vực, Ban Thư ký Ủy hội phân tích về mặt số liệu, phương pháp; tham khảo ý kiến chuyên gia nhằm đánh giá tác động và biện pháp giảm nhẹ tác động bất lợi của công trình, từ đó kiến nghị Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế xem xét, có ý kiến đối với Lào nhằm có các điều chỉnh phù hợp hơn và các biện pháp giảm nhẹ tác động bất lợi.

Kế hoạch tham vấn giúp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham dự Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ tổ chức vào tháng 2/2019.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các ban, ngành và các nhà khoa học khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ phải chịu không ít tác động từ các hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn đối với đời sống và sản xuất của người dân.

Các đại biểu kiến nghị đối với Kế hoạch tham vấn quốc gia cho Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần xây dựng một hệ thống quy chuẩn đánh giá đầy đủ, chi tiết các tác động tới dòng chảy, hệ sinh thái của hệ thống sông Mekong, đặc biệt là những ảnh hưởng của công trình tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước khi công trình này được xây dựng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Văn Nguyên nhấn mạnh Dự án thủy điện dòng chính Pak Lay có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến dự báo dòng chảy và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu. Vì vậy, Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện Pak Lay cần khuyến nghị chủ đầu tư của công trình thực hiện nghiên cứu và thông tin cụ thể đến các vùng kinh tế khu vực sông Mekong về mức độ tác động lũy tích và xuyên biên giới của công trình đối với chức năng dịch vụ hệ sinh thái, lượng phù sa, bùn cát, tiềm năng và giá trị lợi ích nghề cá đến kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng cho rằng Báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của công trình thủy điện Pak Lay đến dòng chảy về mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu về biến đổi khí hậu tác động từ thủy điện ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Cùng với đó, Báo cáo cần yêu cầu chủ đầu tư xây dựng một hệ thống dự báo, cảnh báo tác động kết nối với hệ thống của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đảm bảo kịp thời thông tin, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, công tác đo đạc, quan trắc, dự báo các tác động của Dự án thủy điện Pak Lay cần có sự thống nhất với hệ thống quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là về vấn đề nước nổi và hạn hán. Đối với số liệu có được từ đo đạc tại hiện trường, báo cáo cần chỉ ra yêu cầu đối với phương pháp, tần suất và vị trí lấy mẫu để đảm bảo số liệu đo đạc đạt yêu cầu. Ngoài ra, báo cáo cần đánh giá thêm về số liệu và chất lượng số liệu mà chủ đầu tư sử dụng trong đề xuất Dự án.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết, Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu để chuẩn bị ý kiến của Việt Nam về Dự án thủy điện Pak Lay tại Diễn đàn của Ủy hội sông Mekong quốc tế sắp tới, đảm bảo mục tiêu sử dụng bền vững, công bằng, hợp lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mekong nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục