Thanh Hóa nỗ lực phòng chống bạo lực học đường sau phản ánh của TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường sau loạt bài phản ánh của TTXVN.
Thanh Hóa nỗ lực phòng chống bạo lực học đường sau phản ánh của TTXVN ảnh 1Nữ sinh lớp 6 ở Thanh Hóa bị đánh hội đồng trước sự thờ ơ của những em học sinh khác.

Sau loạt bài phản ánh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đầu Thanh Tùng vừa ký văn bản tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng đơn vị giáo dục chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng bạo lực học đường.

Văn bản nêu rõ theo phản ánh của TTXVN, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra tình trạng bạo lực học đường, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận, điển hình là một số vụ học sinh xô xát, đánh nhau và quay lại clip đăng tải trên mạng xã hội.

[Báo động tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn Thanh Hóa]

Trước tình hình đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, ứng xử văn hóa trong và ngoài trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cho học sinh; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh, kịp thời ngăn chặn hành vi, biểu hiện vi phạm đạo đức, bạo lực học đường.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, trường hợp để vụ việc xảy ra tại đơn vị mình phụ trách, thủ trưởng phải chịu trách nhiệm và phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định.

Lực lượng công an tăng cường phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương hướng dẫn, tập huấn tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường; tăng cường giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học...

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trên địa bàn.

Bạo lực lứa tuổi học đường không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây có nhiều sự việc mang tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.

Nhiều vụ học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực được đăng tải trên mạng xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.

Không ít vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân; ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và học sinh.

Bạo lực lứa tuổi học đường luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội, cần được các cấp chính quyền, sở ngành quan tâm vào cuộc hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, quản lý xã hội. Qua đó, góp phần phòng ngừa ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với các nguy cơ dẫn đến bạo lực lứa tuổi học đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục