Thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi vừa sức, có tính phân hóa cao

Theo đánh giá của Thạc sỹ Nguyễn Phước Bảo Khôi, đề thi môn Ngữ văn năm nay phân hóa tốt, trong đó độ phân hóa được thể hiện rõ rệt ở câu 3 của phần đọc-hiểu.

Các thí sinh nhận xét đề thi dễ nhưng hơi dài, có tính phân hoá cao. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Các thí sinh nhận xét đề thi dễ nhưng hơi dài, có tính phân hoá cao. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sáng 27/6, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh và Gia Lai, các thí sinh nhận định đề thi năm nay tương đối vừa sức nhưng vẫn có tính phân hóa cao.

Đề thi đánh giá sát năng lực từng học sinh

Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh nhận xét đề văn năm nay tương đối vừa sức, nhưng vẫn có tính phân hóa.

Ghi nhận tại điểm thi trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3), em Mai Thảo cho biết, dù phần đọc hiểu dài nhưng không khó để nắm bắt các ý. Các bạn học lực trung bình trở lên có thể đạt điểm khá ở nội dung này.

Thí sinh Đông Nghi nhận định: Đề thi ở mức độ cơ bản. Đối với phần nghị luận xã hội, em thấy đề ra gần gũi với giới trẻ vì có thể tự do thể hiện suy nghĩ của mình.

Với việc đề thi Ngữ văn phù hợp, khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, đa số học sinh ở Gia Lai đã hoàn thành tốt phần thi của mình.

Tuy nhiên, nhiều em cho rằng đề thi cũng có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, cấu trúc đề thi giữ nguyên hai phần là: Đọc - hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm) bao gồm hai câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).

Em Nguyễn Hương Uyên (điểm thi Trường Trung học Phổ thông Pleiku, Gia Lai cho biết: Đề thi bám sát với kiến thức được học. Phần nghị luận xã hội gần gũi nhưng để làm trọn vẹn cần phải học thật tốt bởi đề có tính phân hóa rất cao. Hương Uyên ước tính hoàn thành được khoảng 85- 90% đề thi.

ttxvn_ky_thi_tot_nghiep_thpt_2024_thi_sinh_gia_lai_tu_tin_voi_mon_ngu_van_2706-2.jpg
Quân nhân Nhữ Văn Quyến, Tiểu đoàn 27 - Quân đoàn 3, hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Đề thi năm nay cũng không khó với các thí sinh đang là quân nhân nghĩa vụ. Quân nhân Nhữ Văn Quyến (Tiểu đoàn 27, Quân đoàn 3) tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 chia sẻ: So với năm ngoái, năm nay em làm bài tốt hơn. Em tham gia kỳ thi này để cố gắng đạt điểm cao hơn để theo học các trường về ngành quân sự, vì vậy em đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Hy vọng, với đề thi năm nay em sẽ có được kết quả tốt.

Phần nghị luận xã hội gần gũi với lứa tuổi học trò

Nhận định về đề thi Ngữ văn, Thạc sỹ Nguyễn Văn Phúc, giáo viên môn Ngữ văn, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề thi văn đã bám sát cấu trúc của đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Theo đó, phần đọc-hiểu và phần nghị luận xã hội rất phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Với phần nghị luận văn học, bài thơ “Đất nước” cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình Ngữ văn 12. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu của một Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, kiểm tra kiến thức Ngữ văn của các em học sinh, đề thi còn giúp khơi gợi tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa dân tộc.

Theo đánh giá của Thạc sỹ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đề thi năm nay phân hóa tốt. Trong đó, độ phân hóa được thể hiện rõ rệt ở câu 3 của phần đọc-hiểu. Đồng thời, ý chính của phần đọc hiểu cũng mang tính kế thừa và đổi mới. Câu nghị luận xã hội đưa ra vấn đề tôn trọng cá tính cũng rất phù hợp với lứa tuổi thí sinh.

Phần nghị luận văn học, tác phẩm “Đất nước” được xem là phần trọng tâm khi các giáo viên ôn tập cho học sinh của mình. Yêu cầu của đề thi “nhận xét về sự kết hợp cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm” cũng là đặc trưng của tác giả này.

Đánh giá về đề thi, thầy Đặng Văn Du, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học Phổ thông Chi Lăng (thành phố Pleiku, Gia Lai) cho biết: Đề Ngữ văn năm nay về kiến thức ở mức độ vừa phải, học sinh đại đa số sẽ làm bài tốt, phổ điểm đảm bảo đạt từ điểm 7- 8 là nhiều.

Ở phần đọc hiểu (3 điểm), học sinh phải có khả năng tư duy đọc hiểu, diễn đạt thật tốt mới làm bài điểm cao. Câu nghị luận văn học phân tích đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm và bình luận cảm xúc, suy tư, dù học sinh đã học theo sách giáo khoa, thầy cô giáo dạy là bút pháp trữ tình chính luận. Tuy nhiên chỉ những học sinh giỏi mới có thể làm được, học sinh khá và thiếu tập trung sẽ thấy khó khăn. Còn phần nghị luận xã hội cũng rất phù hợp, học sinh trung bình cũng có thể làm tốt.

de-thi-2706.jpg
Đề thi chính thức môn Ngữ Văn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, sáng 7/6, có 15.027 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, có 31 thí sinh vắng thi. Các thí sinh được bố trí 41 điểm thi gồm 666 phòng thi ở 17 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi theo quy định.

Tại mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí 1 điểm thi dự phòng. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã điều động 2.731 người tham gia tổ chức kỳ thi.

Chiều 27/6, thí sinh sẽ tiếp tục làm bài thi môn Toán, môn thi thứ hai của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 với thời gian làm bài 120 phút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục