Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải coi lũ lụt, cháy nổ như giặc

Nhắc đến câu nói “thủy, hỏa, đạo tặc," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải coi lũ lụt, cháy nổ như giặc, tuy nhiên nhiều nơi chưa nhận thức tốt điều này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải coi lũ lụt, cháy nổ như giặc ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhắc đến câu nói “thủy, hỏa, đạo tặc," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải coi lũ lụt, cháy nổ như giặc. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhiều nơi chưa nhận thức tốt điều này, dẫn đến chủ quan trong chỉ đạo điều hành, do đó, khi thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra chiều 17/4, tại Hà Nội.

Theo báo cáo tổng hợp, năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Thiên tai trong năm 2016 đã làm 264 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.

Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, làm giảm tăng trưởng quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, nếu không quan tâm lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng... thì nguy cơ rủi ro thiên tai cho xã hội sẽ gia tăng.

"Đối phó với thiên tai là công việc phức tạp, nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, có thể dẫn tới thảm họa. Vì vậy, cần xây dựng lực lượng chuyên nghiệp để ngoài việc đáp ứng các nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, còn hạn chế lực lượng cần huy động và giảm kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, kiện toàn bộ máy

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng, những bất cập hiện nay của công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là dự báo còn thiếu chính xác; bị động và có sự chủ quan; phương tiện hạn chế. Bên cạnh đó, việc khai thác cát ở các lòng sông cũng tác động nghiêm trọng khi xảy ra thiên tai.

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, góp phần phát triển bền vững đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, dịch vụ công tham gia vào công tác phòng chống thiên tai; cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài để giám sát các hoạt động của xã hội đảm bảo an toàn hơn trước thiên tai.

Lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là đất nước chịu nhiều thiên tai, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa,” trong đó, năm 2016 là năm đặc biệt về thiên tai và nhân tai. Nhiều thiên tai lịch sử xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Thiên tai đã khiến nhiều người chết, mất tích và GDP mất đi gần 1%.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan chức năng và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và trách nhiệm. Sau thiên tai, công tác cứu hộ cứu nạn khá kịp thời, giảm thiệt hại về người và tài sản.

Thủ tướng đánh giá sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, công an, quân đội, thanh niên và các đoàn thể xã hội, các tổ chức quốc tế đã góp phần đảm bảo đời sống nhân dân, không để một người dân nào đói cơm, đứt bữa, “màn trời chiếu đất.”

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã kịp thời hỗ trợ xử lý những vấn đề sau thiên tai ở Việt Nam.

Thủ tướng Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương đã có mô hình phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tốt, như mô hình cải tạo cánh đồng sau thiên tai ở Lào Cai, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai dành thời gian để triển khai thực hiện kế hoạch công tác, đặc biệt tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra nội dung lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các địa phương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

"Tổ chức triển khai sâu rộng việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là các quy hoạch, kế hoạch chịu tác động mạnh bởi các thiên tai lớn, phạm vi rộng như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn," Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay việc rà soát công trình phòng chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, công trình đang thi công để chỉ đạo, xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực tổ chức xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2017, rà soát, xây dựng thực hiện kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai; chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực và tình hình thiên tai.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo điều hành được kịp thời, chính xác và hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực phát triển các ứng dụng khoa học vào thực tiễn phòng chống thiên tai, nhất là cho lĩnh vực giám sát thiên tai và giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt cần làm rõ các tình huống điều hành thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các điều kiện đảm bảo để thực hiện quy trình (các thông tin dự báo, cảnh báo, quan trắc phía thượng lưu, hạ lưu đập, hệ thống camera giám sát,…).

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện của các bộ, ngành và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục