Sau cam kết “net-zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26 và các hiệp định thương mại thế hệ mới, chủ đề phát triển bền vững càng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Đây là thông tin được nhiều chuyên gia cho biết tại hội nghị Phát triển bền vững 2023 với chủ đề "Con đường màu Xanh," do Tạp chí Forbes Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 13/4.
Theo nhiều chuyên gia, song song với sự phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, những mặt trái của tăng trưởng kinh tế cũng tồn tại như mất cân bằng tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm ở đô thị lớn, rác thải không xử lý ảnh hưởng đến môi trường.
[Thí điểm dự án xử lý rác thải nhựa tại Thành phố Hồ Chí Minh]
Bên cạnh đó, sự phát triển của nhân loại nói chung và sự phồn vinh của một quốc gia không thể chỉ được đo lường qua thành tựu kinh tế mà còn phải là tính bền vững của xã hội, cân bằng môi trường và hệ sinh thái.
Điển hình, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề lớn nhất và mang tính sống còn với loài người hiện nay và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới xã hội và kinh tế.
Những tác động tiêu cực và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu cũng đang tác động tới nền kinh tế Việt Nam nếu không có các nỗ lực chung tay và hành động quyết liệt, kịp thời.
Ông Denis Depoux, Tổng Giám đốc toàn cầu, Công ty Tư vấn Roland Berger, chia sẻ hiện nay châu Á là một trong những khu vực có những mục tiêu về năng lượng tái tạo dẫn đầu toàn cầu. Về phía doanh nghiệp tham gia phòng chống biến đổi khí hậu cũng là một lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhưng đó cũng là trách nhiệm đối với đơn vị sản xuất kinh doanh.
Hơn thế nữa, cuộc chiến phòng chống biến đổi khí hậu khơi gợi lại lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia, mỗi quốc gia có những cam kết riêng.
Việt Nam cũng đã đưa ra hàng loạt mục tiêu mạnh mẽ để duy trì và tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế, chuyển đổi số, sản xuất xanh.
Còn chuyên gia Đặng Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Energy Environment Climate, cho rằng lộ trình cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính và giảm thiểu khí thải cacbon đang cần sự tham gia hành động của cả cộng đồng. Để thực hiện giảm phát thải thì doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, Chính phủ đưa ra cam kết và bộ, ngành thúc đẩy quá trình thực thi.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Đồng Mai Lâm, CEO Schneider Electric Việt Nam-Campuchia, Tập đoàn Schneider Electric là chuyên gia trong quản lý về năng lượng; trong khi năng lượng là một trong những nguyên nhân gây ra khí thải cacbon. Do đó, Tập đoàn đã và đang đưa ra đa dạng giải pháp nền tảng kết nối tất cả hệ thống từ đó phát triển giải pháp phù hợp; cung ứng phần mềm ứng dụng công nghệ để đưa ra những báo cáo, phân tích giúp khách hàng cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả; mô hình nhà thông minh giúp sử dụng tối ưu hóa năng lượng.
Một số báo cáo thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh dựa trên mô hình tuyến tính, tức là nguyên vật liệu đầu vào được sử dụng một lần, dẫn đến sự lãng phí, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển.
Hiện đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt, chỉ 10% được tái chế, trong khi đó một ống hút nhựa có thể mất tới 200 năm để phân hủy hoàn toàn. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó tái chế và cắt giảm là phương pháp bền vững hướng đến mục tiêu để lại hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Về lĩnh vực xử lý rác thải nhựa, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, chỉ ra rằng nguồn thu gom nhựa tái chế của doanh nghiệp chủ yếu là 100% nội địa. Sau khi thu gom, phân loại... sẽ được tái chế sử dụng trong một số lĩnh vực như chai đựng nước, vỏ bút bi.
Trên thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm sử dụng nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa.
Mặt khác, nền kinh tế tuần hoàn ra đời với chu trình sản xuất khép kín, chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp hàng đầu lựa chọn hành động và biện pháp thực hành trong kinh doanh nhằm giảm lượng cacbon phát thải ra môi trường.
Liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho hay người tiêu dùng đã và đang quan tâm, cũng như kỳ vọng đơn vị sản xuất kinh doanh ở các nước quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.
Chính vì vậy, doanh nghiệp triển khai mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, chứ không phải là chỉ cần chú trọng hay dừng lại ở khuyến khích, nếu muốn giữ chân người tiêu dùng trong tương lai./.