Tiền Giang: Sạt lở đe dọa sản xuất tại các huyện đầu nguồn sông Tiền

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, tại các huyện đầu nguồn phía Tây đã xảy ra hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ với tổng chiều dài gần 4.700m.
Tiền Giang: Sạt lở đe dọa sản xuất tại các huyện đầu nguồn sông Tiền ảnh 1Thi công bờ kè phòng chống sạt lở khu vực Cồn Cống. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Hiện nay, tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp, đe dọa sản xuất và đời sống nhân dân các huyện đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) như Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn để khắc phục, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, tại các huyện đầu nguồn phía Tây đã xảy ra hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ với tổng chiều dài gần 4.700m. Ước tính kinh phí đầu tư khắc phục lên đến trên 48 tỷ đồng.

Trong số đó, tại huyện Cái Bè có 42 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.550m; huyện Cai Lậy có 48 điểm sạt lở có chiều dài 1.709m, các điểm sạt lở còn lại nằm trên địa bàn thị xã Cai Lậy.

Những địa bàn sạt lở nặng nhất và phức tạp là cặp sông Ba Rày, sông Hòa Khánh, sông Phú An, các cù lao trên sông Tiền.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở như biến đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu, nền đất yếu phía bờ sông, phương tiện lưu thông thủy tạo sóng lớn, các công trình xây dựng nhà ở hoặc công trình hạ tầng, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng quá gần bờ sông và nguyên nhân khác

Trước tình hình trên, tỉnh đã trích kinh phí trên 42 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý 74 điểm sạt lở.

[An Giang hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông Châu Đốc]

Với các điểm sạt lở quy mô nhỏ, ít phức tạp, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng được cấp để tiến hành khẩn trương xử lý, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Ngoài ra, địa phương cũng đang trình Trung ương hỗ trợ thực hiện xử lý khẩn cấp 2 điểm sạt lở nguy hiểm tại rạch Bảo Định (thành phố Mỹ Tho) và kênh 28 (xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè) với tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng.

Để khắc phục sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai một cách căn cơ, bền vững, cùng với đầu tư cho các giải pháp công trình xử lý các điểm sạt lở nguy hiểm, tỉnh Tiền Giang quan tâm đến các giải pháp thi công, đặc biệt, là trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, phòng chống sạt lở.

Hằng năm, tỉnh đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, tham gia phòng chống sạt lở thông qua những giải pháp phù hợp như tích cực trồng cây xanh, gây bồi tạo bãi, nuôi lục bình kết hợp với làm hàng rào cảnh báo, bảo vệ những đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở, trồng cỏ và cây xanh bảo vệ bờ sông, không xây cất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy và lấn chiếm kênh rạch gây xói lở nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục