Tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, sớm đưa học sinh đi học trở lại

Nhấn mạnh việc nghỉ học dài ngày gây khó khăn cho chương trình dạy và học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh đi học an toàn như các nước trên thế giới.
Tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, sớm đưa học sinh đi học trở lại ảnh 1Phun thuốc khử khuẩn kết hợp dọn dẹp, vệ sinh lớp học tại Hà Nội để phòng dịch COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình; thực hiện kịp thời, chủ động công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19).

Từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới; đặc biệt, các cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương của Việt Nam đều có khả năng chữa khỏi cho những người bị nhiễm COVID-19.

Cụ thể, đến nay, Việt Nam có 15 trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi. Bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã cho kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 liên tục từ ngày 12/2 đến ngày 17/2 và dự kiến chiều 21/2 được xuất viện.

Ngoài ra, Việt Nam còn 28 ca nghi nhiễm; 5.649 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe chặt chẽ, đảm bảo không lây nhiễm trong cộng đồng.

Trên thế giới, tính đến 11 giờ 20, ngày 21/2, thế giới ghi nhận 76.727 ca nhiễm COVID-19, số người tử vong là 2.247, số người hồi phục là 18.453 người tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Trung Quốc có 75.465 ca nhiễm COVID-19, ghi nhận 2.236 người tử vong, 5.248 trường hợp nghi nhiễm.

Theo nhận định của phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dự báo có thể xuất hiện ca bệnh mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, do thời tiết đang dần ấm lên, độc lực của virus đã giảm, cùng với kỹ thuật điều trị phát triển, kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, Việt Nam có thể nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, điều trị hiệu quả và khống chế dịch bệnh, bảo đảm môi trường dịch tễ an toàn cho các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Thông tin về tình hình học sinh đi học tại các nước trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, hiện nay, một số nước và vùng lãnh thổ đã thực hiện các biện pháp nhằm tránh tụ tập đông người, đảm bảo sức khỏe học sinh.

Điển hình, Đài Loan (Trung Quốc) lùi ngày khai giảng học kỳ 2 hai tuần đến ngày 25/2; người lao động có con dưới 12 tuổi có thể xin nghỉ không lương chăm sóc con; Hong Kong (Trung Quốc) kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của các trường tới ngày 1/3.

Hàn Quốc tổ chức đi học nhưng cho phép rút ngắn 10% số ngày học theo quy định, tùy theo tình hình thực tế; đồng thời khuyến khích học trực tuyến; học sinh nước ngoài ở nhà 14 ngày trước khi đến trường.

Trong khi đó, Mông Cổ yêu cầu đóng cửa tất cả các trường đại học, cơ sở đào tạo trường mầm non từ 27/1 đến 2/3. Một số trường tư ở Vientiane (Lào) gần biên giới Trung Quốc cho học sinh nghỉ học, các trường còn lại tổ chức cho học sinh đi học bình thường.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết một số nước cho học sinh đi học bình thường như Malaysia, Nhật Bản, Singapore… đã tăng cường các biện pháp y tế trong trường học; khuyến cáo học sinh, giáo viên không đeo khẩu trang khi đến lớp.

Malaysia kiểm tra thân nhiệt khi học sinh đi học trở lại; đối với học sinh đi du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ được nghỉ học 14 ngày theo dõi y tế và cần có giấy xác nhận sức khỏe trước khi đi học trở lại. Nhật Bản khuyến khích các trường, lớp làm vệ sinh hằng ngày.

[Video] Học qua mạng - giải pháp khi không thể tới trường vì COVID-19

Tương tự, Singapore tăng cường các biện pháp phòng dịch như diệt khuẩn hàng ngày tại các khu vui chơi, phòng học; bỏ các tiết học cần giao tiếp nhiều, tập trung đông người; trong các phòng sinh hoạt chung mở cửa thông thoáng; khách đến được kiểm tra y tế; học sinh về từ Trung Quốc phải cách ly 14 ngày…

Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn khuyến nghị, với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện tại, Việt Nam nên xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết tinh thần là các trường học chỉ cho học sinh đến trường nếu đảm bảo an toàn và phụ huynh học sinh yên tâm. Theo quy định, các tỉnh có dịch mới nghỉ học, nhưng do vấn đề tâm lý xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020.

Nhấn mạnh việc nghỉ học dài ngày gây khó khăn cho chương trình dạy và học trong năm học 2019-2020, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh đi học an toàn như các nước trên thế giới, cân nhắc phương án cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3/2020.

Liên quan đến đề nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3/2020 của Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, dự kiến ngày 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan có chương trình làm việc trực tiếp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất nội dung, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề đường bay của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định không có việc “cấm bay sang một số nước” như thông tin đăng tải trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch, lĩnh vực hàng không nói riêng, ngành giao thông vận tải nói chung đã và đang tập trung kiểm soát người ra vào, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho hành khách khi di chuyển và thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo dự báo của các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh ở nước ngoài còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Do đó, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, không chủ quan, triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ về dịch tễ, đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời, đảm bảo thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục