Tình trạng ngập lụt ở miền Trung còn kéo dài trong những ngày tới

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới.
Tình trạng ngập lụt ở miền Trung còn kéo dài trong những ngày tới ảnh 1Người dân dùng thuyền di chuyển tài sản đến cất ở nơi khô ráo. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 6, kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, từ ngày 11 đến ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế là khoảng 300-500mm, có nơi trên 500mm. Tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng có mưa với lưu lượng khoảng 150-250mm, còn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi là khoảng 100-200mm.

Chiều 11/10, lũ trên các sông ở Thừa Thiên-Huế đang dao động ở mức cao. Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum đang lên.

Dự báo đến 1 giờ sáng 12/10, lũ trên sông Bồ, sông Hương (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tiếp tục dao động ở mức cao. Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục lên. Lũ trên các sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình), sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) xuống dần.

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới, đặc biệt là tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế); các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam); các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi); các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Konplong (tỉnh Kon Tum).

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

[Quảng Nam: Mưa lũ khiến 3 người thiệt mạng, nhiều nhà dân bị hư hại]

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất cũng như cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng.

Cũng trong ngày 11/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện số 23/CĐ-TW tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Nội dung công điện nêu rõ theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngay sau khi bão số 6 đi vào đất liền và suy yếu, trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã xuất hiện tiếp một áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung.

Các địa phương thuộc tuyến biển và ven bờ từ Quảng Ninh đến Phú Yên phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo.

Các địa phương cần theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.

Tình trạng ngập lụt ở miền Trung còn kéo dài trong những ngày tới ảnh 2Người dân chằng buộc, neo tàu chắc chắn vào bờ. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên cần hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đặc biệt là với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh để lặp lại các sự cố đáng tiếc như tại vùng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) trong những ngày vừa qua.

Các địa phương cần chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc tuyến đất liền từ Quảng Ninh đến Phú Yên cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp; chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi; sẵn sàng phương án tiêu thoát nước tại các khu vực trũng thấp, các khu đô thị, khu dân cư tập trung để đề phòng xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn.

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ cần tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan báo chí cần tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các đơn vị nêu trên cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục