Toàn bộ các địa phương tỉnh Hậu Giang có thể bị xâm mặn

Toàn bộ các địa phương tỉnh Hậu Giang có thể bị mặn xâm nhập

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, khả năng gần như toàn bộ các địa phương tỉnh Hậu Giang sẽ bị mặn xâm nhập.
Toàn bộ các địa phương tỉnh Hậu Giang có thể bị mặn xâm nhập ảnh 1(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, vừa cho biết với tình hình xâm nhập mặn đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, khả năng gần như toàn bộ các địa phương tỉnh Hậu Giang sẽ bị mặn xâm nhập.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, trong tháng 4/2016 độ mặn đã liên tục tăng cao trên địa bàn tỉnh.

Giữa tháng 4/2016, độ mặn đo được tại ngã ba Nước Trong là 15,2 phần nghìn, tại thành phố Vị Thanh và cống Ba Cô, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ là 15,6 phần ngàn; đến cuối tháng 4/2016, độ mặn đo được đã trên 17 phần nghìn.

Đến nay, Hậu Giang đã phải công bố thiên tai xâm nhập mặn ở hai địa phương là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Trước tình hình xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, xâm nhập sâu vào nội đồng, tỉnh cũng đang xem xét công bố thiên tai xâm nhập mặn đối với huyện Vị Thủy và các địa phương khác.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đang tiến hành nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình hạn mặn bằng giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Đó là đắp hơn 100 đập thời vụ tạm thời để ngăn mặn, trữ ngọt cũng như xây dựng các công trình dẫn nước ngọt về những vùng bị xâm nhập mặn.

Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn để giảm tác hại.

Đối với 6.000ha lúa Hè Thu chưa xuống giống được, ngành nông nghiệp tỉnh định hướng chuyển 30% diện tích sang trồng cây ăn quả, 15% chuyển sang trồng rau màu có khả năng chịu được hạn, mặn như dưa hấu, dưa lê.

Cùng với đó, đối với diện tích đất trồng lúa, ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo nông dân sử dụng những giống lúa chịu mặn như OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, OM6677, GKG1.

Đồng thời, tỉnh khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ của địa phương và thực hiện gieo sạ, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật.

Đối với cây ăn quả, người dân cần lựa chọn những giống chịu được nồng độ mặn trung bình và nồng độ mặn cao như cam, quýt, bưởi, chanh, mít, ổi, xoài, dừa.

Đến cuối tháng 4/2016, tại Hậu Giang, mặn đã xâm nhập trên 80% diện tích đất nông nghiệp, gây thiệt hại hơn 1.200ha lúa Đông Xuân với mức thiệt hại trên 30% và hơn 6.000 ha lúa Hè Thu của 6 xã không xuống giống được; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục