Tổng thư ký LHQ: Triều Tiên thử hạt nhân là mối nguy lớn nhất

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng giải pháp duy nhất với khủng hoảng Triều Tiên chỉ có thể là chính trị, bởi nếu tìm đến biện pháp quân sự thì hệ quả sẽ rất khủng khiếp.
Tổng thư ký LHQ: Triều Tiên thử hạt nhân là mối nguy lớn nhất ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 5/9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã có cuộc gặp với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, đề cập 3 thách thức an ninh mà cộng đồng thế giới đang phải đối diện.

Theo ông Antonio Guterres, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là mối nguy lớn nhất. Kế đến là xung đột giáo phái, sắc tộc tại bang Rakhine, miền Bắc Myanmar và những hệ quả mà biến đổi khí hậu gây ra sau một loạt các vụ thiên tai, bão lũ gần đây tại Mỹ, Ấn Độ, Nepal…

Đây cũng là những chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo quốc tế tập trung thảo luận tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72, diễn ra từ ngày 19-25/9 tại New York.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.

[Nga ít khả năng ủng hộ một lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên]

Ông lên án những hành động gần đây của Triều Tiên khi phá vỡ các nguyên tắc quốc tế về cấm thử vũ khí hạt nhân, phớt lờ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, đẩy hàng triệu người dân trong nước vào tình cảnh nguy khốn, nhiều người đang phải đối mặt với nạn hạn hán, nạn đói.

Ông Guterres kêu gọi chính quyền Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là Nghị quyết số 2371 mới nhất, được thông qua hôm 6/8.

Tổng thư ký nhấn mạnh đoàn kết trong Hội đồng Bảo an giữ vai trò thiết yếu giúp giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Thống nhất thường trực này là yếu tố thúc đẩy can dự ngoại giao hiệu quả với Triều Tiên, giúp giảm căng thẳng, tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn chặn nguy cơ leo thang đối đầu và cùng nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là tiền đề để tạo lập đối thoại, các kênh tiếp xúc nhằm tránh hiểu lầm và hành động sai lầm. Giải pháp duy nhất chỉ có thể là chính trị, bởi nếu tìm đến biện pháp quân sự thì hệ quả sẽ rất khủng khiếp.

Trên cương vị người đứng đầu Liên hợp quốc, ông Guterres tuyên bố Liên hợp quốc ủng hộ mọi nỗ lực hướng đến giải pháp hòa bình cho vấn đề ngày một nghiêm trọng như khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa.

Trong diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cùng ngày cũng cho rằng mặc dù có ý định tốt, song các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên sẽ không hiệu quả và Moskva muốn nghị quyết mới của Liên hợp quốc tập trung nhiều hơn vào giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 5/9, ông Nebenzia nhấn mạnh Nga muốn nhắc đến nhu cầu đối thoại chính trị dựa trên cơ sở các sáng kiến. Hiện sáng kiến duy nhất đang được soạn thảo là đề xuất của Nga và Trung Quốc, theo đó Triều Tiên sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, ông Nebenzia khẳng định Nga sẽ hoan nghênh các sáng kiến khác, lưu ý rằng Thụy Sỹ vừa đề nghị làm trung gian hòa giải.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley nhấn mạnh Mỹ muốn một nghị quyết mới của Liên hợp quốc với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được thông qua trước ngày 11/9 tới.

Tuy nhiên, ông Nebenzia cho rằng thời điểm như vậy là có phần "hấp tấp" và khẳng định cần loại bỏ bất cứ phương án quân sự nào trong các cuộc thảo luận.

Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H. Theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hàn Quốc cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục