TP Hồ Chí Minh đối mặt nguy cơ vượt dự toán chi bảo hiểm y tế

Trong tám tháng của năm 2019, tổng số chi bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố đã lên 13.099 tỷ đồng, chiếm 72% so với dự toán của Chính phủ giao là 18.190 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh đối mặt nguy cơ vượt dự toán chi bảo hiểm y tế ảnh 1Bệnh nhân đến khám tại một cơ sở y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Bắt đầu từ năm 2018, các cơ sở y tế chính thức được giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cả năm.

Với phương thức này, các bệnh viện sẽ không bị động về Quỹ bảo hiểm y tế do không còn áp dụng đa tuyến đi và đa tuyến đến.

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng vượt dự toán chi đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn, cần có biện pháp điều chỉnh ngay.

Quỹ bảo hiểm y tế hụt 1.800 tỷ đồng

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 18.190 tỷ đồng, bao gồm chi phí cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và bệnh nhân từ tỉnh khác chuyển đến.

Tuy nhiên, trong tám tháng của năm 2019, tổng số chi bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố đã lên 13.099 tỷ đồng, chiếm 72% so với dự toán của Chính phủ giao. Cụ thể, đã có 40 cơ sở y tế chi trên 70% dự toán, đặc biệt có 10 cơ sở chi từ 80% dự toán trở lên như Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Mắt Phương Nam, Phòng khám Hoàn Hảo, Phòng khám Phong Tâm Phúc…

Về nguyên nhân của tình trạng vượt chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung các cơ sở y tế tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại và thầy thuốc có chuyên môn giỏi nên thu hút số lượng lớn bệnh nhân ngoại tỉnh đến chữa bệnh hằng năm.

Hơn nữa, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải tự chủ về tài chính hiện nay, nhiều cơ sở đã chỉ định thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật nhằm khấu hao máy móc nhanh, tăng lượng bệnh nhân nội trú… dẫn đến chi bảo hiểm tăng.

Bên cạnh đó, chi phí bình quân một lần khám chữa bệnh nội trú tăng 9,3%, điều trị ngoại trú cũng tăng 5% so với năm 2018. Một số đơn vị có mức tăng cao như Bệnh viện Tâm Trí, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Mắt Sài Gòn… Đồng thời, chi phí từ thuốc tại Thành phố cũng chiếm trên 46%, cao hơn mức chung toàn quốc 11%.

Mặt khác, trong năm 2019, Bộ Y tế đã điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế lên 3,2% cũng khiến Quỹ bảo hiểm y tế ngày càng phải chi nhiều hơn. Dự kiến, Quỹ bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh đến hết năm 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị thiếu hụt khoảng 1.800 tỷ đồng.

“Khi giao dự toán cho Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ cũng đã căn cứ vào số người tham gia bảo hiểm y tế tại Thành phố cũng như tình hình chi khám chữa bệnh của các năm trước.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/8/2019, số người tham gia bảo hiểm y tế của Thành phố tăng 490.000 người so với năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 200.000 người nữa vào cuối năm nay, do đó chi phí khám chữa bệnh cũng vì thế tăng cao hơn dự toán," ông Phan Văn Mến nhìn nhận.

Tăng cường quản lý Quỹ bảo hiểm y tế

Năm 2019, Bệnh viện Quận 2 được giao dự toán chi bảo hiểm y tế 184 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 8, đơn vị này đã chi 70% tổng số tiền được giao. Theo bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, số tiền 30% còn lại chỉ đủ chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến hết tháng 10, hai tháng còn lại của năm 2019 đang trông chờ được “bơm” thêm.

Lý giải nguyên nhân chi vượt dự toán, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho hay, do bệnh viện ngày càng phát triển, danh mục kỹ thuật liên tục mở rộng, lượng bệnh nhân ngày càng nhiều nên khả năng dự toán không đáp ứng được.

“Thông thường càng cuối năm, nhu cầu khám chữa bệnh càng tăng nên chắc chắn vượt dự toán chi. Hiện bệnh viện đang tính toán sử dụng tiết kiệm những vật tư, thuốc hỗ trợ không cần thiết để hạn chế hết mức có thể việc chi tiêu nguồn quỹ bảo hiểm y tế," bác sỹ Trần Văn Khanh cho biết.

[Thanh toán chi phí chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá dịch vụ y tế]

Tương tự, Bệnh viện Quận 11 được giao quỹ dự toán chi bảo hiểm y tế 144,5 tỷ đồng cho năm 2019, nhưng đến nay đơn vị này đã thực chi hơn 70%.

Để có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong những tháng cuối năm của người dân, bác sỹ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết đơn vị này sẽ điều chỉnh bỏ bớt những thuốc không cần thiết, kiểm soát số lượng bệnh nhân đến khám nhiều lần.

TP Hồ Chí Minh đối mặt nguy cơ vượt dự toán chi bảo hiểm y tế ảnh 2Giám sát chi phí khám chữa bệnh tại một trung tâm y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc sử dụng vượt quá dự toán chi bảo hiểm y tế đang là mối bận tâm lớn của lãnh đạo Sở Y tế cũng như các bệnh viện.

Trước thực trạng này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các giám đốc bệnh viện rà soát và củng cố các hoạt động như kê đơn hợp lý, chỉ định nhập viện đúng theo phác đồ, chỉ định kỹ thuật phù hợp, thời gian nằm viện hợp lý, không trì hoãn xuất viện, tăng cường điều trị trong ngày thay vì nhập viện điều trị nội trú; đồng thời chuyển người bệnh về tuyến trước điều trị tiếp khi đã chẩn đoán, điều trị ổn định nhưng cần được chăm sóc và theo dõi thời gian dài.

Quan trọng hơn, các bệnh viện phải đảm bảo sử dụng phần mềm liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để ngăn chặn hành vi lạm dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... “Các bệnh viện tuyệt đối không được 'cắt xén' quyền lợi của người bệnh mà phải sử dụng nguồn lực hợp lý nhất, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh," ông Tăng Chí Thượng yêu cầu.

Còn ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trước nguy cơ vượt dự toán chi quá nhiều của các cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hợp lý và tránh lạm dụng quỹ.

“Chúng tôi sử dụng các công cụ hỗ trợ từ phần mềm điện tử của hệ thống giám định để rà soát quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí được giao tại đơn vị và cương quyết từ chối thanh toán các trường hợp lạm dụng quỹ, xuất toán những khoản chi không hợp lý nhằm kiểm soát việc chi quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ nay đến cuối năm," ông Phan Văn Mến cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục