TP.HCM: Cần tuân thủ 5K khi đến cơ sở y tế xét nghiệm SARS-CoV-2

Theo Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nếu như trước chỉ khoảng 300-400 người/ngày có nhu cầu xét nghiệm kiểm tra, 3 ngày qua lượng dân đến bệnh viện đăng ký dịch vụ này tăng vọt, khoảng 1.500 người.
TP.HCM: Cần tuân thủ 5K khi đến cơ sở y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ đầu tháng Bảy này, nhiều địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… bắt đầu áp dụng quy định người muốn vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

Quy định này khiến những ngày qua, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đổ xô đến các bệnh viện để làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tăng vọt, gây nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, nếu như trước đây chỉ khoảng 300-400 người/ngày có nhu cầu xét nghiệm kiểm tra, 3 ngày qua lượng người dân đến bệnh viện đăng ký dịch vụ này tăng vọt, lên khoảng 1.500 người.

Tương tự, tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, trong những ngày qua cũng ghi nhận trên 2.000 người đến bệnh viện mỗi ngày đăng ký test nhanh để làm giấy "thông hành" đi đến các địa phương khác.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại một số bệnh viện khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có Bệnh viện Quân y 175 của Bộ Quốc phòng. Cụ thể, trong hai ngày qua, lượng người có nhu cầu xét nghiệm test nhanh đến bệnh viện này tăng đột biến, từ 2.500 đến 3.000 lượt/ngày.

Ghi nhận thực tế cho thấy những người đến bệnh viện đăng ký làm xét nghiệm SARS-CoV-2 là những người lao động, lái xe, giao hàng... sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... Họ buộc phải có giấy chứng nhận âm tính mới được phép đi vào địa phận các tỉnh trên. Quy định này khiến cho số lượng người tập trung đến các bệnh viện đông đúc bất thường những ngày qua, nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt kết quả xét nghiệm tại các bệnh viện đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các bệnh viện đã phải thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn như phối hợp với Ủy ban Nhân dân phường điều tiết phân luồng giãn cách. Ngoài giãn cách, tất cả người đến xét nghiệm đều phải rửa tay khử khuẩn, đeo tấm chắn chống giọt bắn, khai báo y tế, khám sàng lọc trước khi lấy mẫu... Đặc biệt, thành phố Thủ Đức đã phải lập thêm 3 điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cần kết quả xét nghiệm để di chuyển qua các địa phương khác.

Về quy định của các địa phương, người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3-7 ngày, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng xét nghiệm âm tính rồi đi lại vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác.

Theo bác sỹ Khanh, về lý thuyết, xét nghiệm đúng âm tính chỉ có hiệu lực từ thời điểm xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển sang dương tính bất cứ lúc nào. "Xét nghiệm âm tính chỉ giúp ích một phần, quyết định vẫn là thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ y tế lúc dừng xe ăn uống, lúc giao hàng, khi làm việc, khi trở về nhà," bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố có 50 cơ sở y tế, bệnh viện công lập và ngoài công lập được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định RT-PCR và test nhanh kháng nguyên. Người dân khi có nhu cầu xét nghiệm khẳng định RT-PCR, chỉ nên thực hiện ở các đơn vị thuộc danh sách được Bộ Y tế cho phép.

Với xét nghiệm nhanh kháng nguyên, người dân chỉ thực hiện bằng các bộ sinh phẩm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Các cơ sở phải đảm bảo đủ điều kiện về quy trình an toàn, trang thiết bị bảo hộ, nhân lực. Hiện nay, giá xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR được quy định là 734.000 đồng/mẫu, giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 238.000 đồng/mẫu.

Khi có kết quả xét nghiệm âm tính, các đơn vị sẽ phải trả kết quả cho người dân. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, các cơ sở y tế có trách nhiệm triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

"Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ là chứng nhận tạm thời tại thời điểm xét nghiệm rằng một người về cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải nguồn bệnh lây cho người khác. Kết quả này không thể chính xác 100% vì có khi sai sót, hoặc có khi mới nhiễm virus 1-2 ngày đầu thì xét nghiệm không cho ra kết quả dương tính," đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Do đó, ngành chức năng khuyến cáo, ngay cả khi có kết quả âm tính, người dân không nên chủ quan. Việc đi lấy mẫu xét nghiệm cũng cần đảm bảo giãn cách, hạn chế di chuyển, tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục