TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch COVID-19

Theo UBND TP.HCM, nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để xảy ra các sai phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, kể cả xem xét xử lý hình sự.
TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên Trung tâm Y tế quận 3 lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh là rất cao, chiều 12/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức, các tổ chức, đơn vị và từng người dân thành phố tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nêu cao ý thức và trách nhiệm, bình tĩnh, sáng suốt, bám sát tình hình thực tế, chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, nhanh chóng kiểm soát tình hình, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan.

Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình."

Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để xảy ra các sai phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.

Các cơ quan, đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng, ban hành các phương án, kịch bản ứng phó với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phân công rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, dễ thực hiện và dễ giám sát. kiểm tra.

Tất cả các cơ quan, bệnh viện, trường học, cơ sở lưu trú, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phương tiện vận chuyển công cộng... đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh, sử dụng mã QRCode cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh mình tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện thường xuyên việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các địa điểm tụ tập đông người.

[TP Hồ Chí Minh tạm dừng thêm nhiều hoạt động, dịch vụ không thiết yếu]

Từng người dân phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng; chủ động khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code hoặc tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn; sử dụng một trong các phần mềm: NCOVI; Bluezone; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Y tế thành phố chỉ đạo tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố định kỳ thực hiện xét nghiệm tầm soát dịch bệnh cho nhân viên y tế và người bệnh, nâng mức kiểm soát, sàng lọc lên cao nhất, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện.

Thành phố hình thành các tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo năng lực lấy 50.000 mẫu đơn/ngày; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người mắc COVID-19 theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế, đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và 200-500 người bệnh.

Ngành y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về tình hình dịch tại thành phố, đến sáng 12/5, số trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại thành phố là 270, trong đó 244 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 26 người đang điều trị.

Lực lượng chức năng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân 3298 cư trú tại Đà Nẵng từng đến Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 30/4 đến ngày 4/5; đã truy vết, cách ly 82 trường hợp, 80 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm trong đó 75 trường hợp âm tính, 5 đang chờ kết quả.

Từ ngày 30/4, thành phố mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên các khu vực nguy cơ như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, cảng hàng hải, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất..., 15.774 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu giám sát người đến từ các tỉnh, thành khác đã có 3.062 mẫu âm tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục