Trà Vinh: Thực hiện đồng bộ cơ chế thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón hơn 1,7 triệu khách với tổng doanh thu trên 930 tỷ đồng; đến năm 2030 đón hơn 2,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 1.850 tỷ đồng.
Trà Vinh: Thực hiện đồng bộ cơ chế thu hút đầu tư, phát triển du lịch ảnh 1Du khách tham quan Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón hơn 1,7 triệu khách với tổng doanh thu trên 930 tỷ đồng; đến năm 2030 đón hơn 2,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 1.850 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu trên, cùng với công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, tỉnh thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch; tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm đạt hiệu quả cao và bền vững.

[Trà Vinh chủ trương phát triển nhiều mô hình du lịch "thuận thiên"]

Địa phương ưu tiên phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; khai thác thêm các tuyến đường thủy; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực này...

Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, xây dựng cổng du lịch thông minh tỉnh Trà Vinh với các ứng dụng trên di động, bản đồ số du lịch, kho tích hợp dữ liệu du lịch, hệ thống phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh... nhằm giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin, kết nối, tương tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách cũng như phản hồi chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Trà Vinh mời gọi các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao như xây dựng điểm du lịch quốc gia Ao bà Om; đầu tư du lịch nghỉ dưỡng tại Khu du lịch biển Ba Động, mỏ nước khoáng (thị xã Duyên Hải), các khu nghỉ dưỡng tại cù lao Long Trị (thành phố Trà Vinh), Hàng Dương (huyện Cầu Ngang), cù lao Tân Quy (huyện Cầu Kè).

Trà Vinh: Thực hiện đồng bộ cơ chế thu hút đầu tư, phát triển du lịch ảnh 2Di tích danh thắng Ao Bà Om (thành phố Trà Vinh). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn từ 3-5 sao; khách sạn nghỉ dưỡng, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch tại thành phố Trà Vinh và thị xã Duyên Hải.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ dân, cá nhân đầu tư, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách.

Tỉnh đang tập trung xây dựng các điểm đến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các loại hình du lịch văn hóa-lễ hội, du lịch biển, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn.

Mỗi địa phương xây dựng tối thiểu 1 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh.

Theo kế hoạch, Trà Vinh sẽ xây dựng 3 không gian du lịch mới có tính liên kết vùng.

Cụ thể, với không gian du lịch đô thị xanh thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận, du khách có thể tham quan Khu di tích danh lam thắng cảnh Ao Bà Om, Đền thờ Bác Hồ, Làng văn hóa dân tộc Khmer, tham quan Cồn Hồ và Cồn Chim.

Với không gian du lịch sinh thái biển, du khách có thể tham quan các điểm du lịch làng nghề, tâm linh, rừng ngập mặn theo tuyến Cầu Ngang và Duyên Hải.

Với không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc, du khách được tham quan các vườn trái cây trĩu quả, trải nghiệm văn hóa dân tộc, sản phẩm du lịch nông thôn... theo tuyến Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú.

Thành phố Trà Vinh là thành phố xanh với những con đường rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Tỉnh có nhiều cù lao, cồn nổi quanh năm cho cây lành trái ngọt, thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn.

Cùng với đó, nơi đây có sự cộng cư lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Đây chính là điều kiện để tỉnh có các sản phẩm du lịch văn hóa-lễ hội khác biệt so với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, với lợi thế 65km đường bờ biển, từ năm 2021 đến nay, nhiều công trình điện gió trên địa bàn hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia tạo nên những “cánh đồng điện gió” đặc sắc ở vùng ven biển Trà Vinh.

Để phát triển du lịch bền vững theo hướng thuận thiên, tỉnh đã ra mắt hai mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng dịch COVID-19, miền đất thuận thiên Trà Vinh đã được “đánh thức” với nhiều tín hiệu khởi sắc.

Lượng khách đến địa phương và doanh thu ngành du lịch tăng mạnh.

Trong 10 tháng của năm 2022, tỉnh đã đón trên 1 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch; tổng doanh thu đạt gần 620 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với kế hoạch năm và tăng gấp đôi so với doanh thu năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục