Triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh

Kêu gọi quyên góp tiền, trợ giá trang thiết bị, thậm chí quyên góp máy tính và điện thoại đã qua sử dụng... hàng loạt giải pháp đã và đang được các cơ sở giáo dục triển khai để hỗ trợ cho học sinh.
Triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh ảnh 1Trường Tiểu học Thành Công B trao tặng máy tính cho học sinh. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Việc học sinh phải học trực tuyến đã trở thành một thách thức lớn với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi thiếu trang thiết bị cần cho việc học như máy tính, điện thoại thông minh…

Giúp học sinh "dừng đến trường nhưng không dừng học"

Theo thống kê sơ bộ, tại các địa phương vùng khó khăn, khoảng 50-70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, nhiều thôn bản không có mạng Internet... Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có số lượng lớn học sinh thiếu cơ sở vật chất cho việc học trực tuyến. Kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Thành phố có hơn 70.000 học sinh thiếu máy tính để học online.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh đồng thời giao các sở giáo dục và đào tạo tìm mọi nguồn tài trợ để giúp đỡ học sinh có điều kiện học trực tuyến. Ngày 10/9, Bộ đã kêu gọi toàn ngành ủng hộ chương trình "Máy tính cho em," thành lập Ban Vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhân, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh.

Ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, hoạt động hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh đã được các địa phương tích cực triển khai.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ kêu gọi các nguồn hỗ trợ máy tính cho hơn 70.000 học sinh.

Tại Cà Mau, trong sáng nay, 10/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ trao tặng 500 điện thoại di động để phục vụ việc học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, qua rà soát cho thấy toàn tỉnh có hơn 10.000 học sinh đang gặp khó về phương tiện học tập trực tuyến, trong đó có 500 em thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì thế, ông Luân bày tỏ sự cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp cho 500 học sinh Cà Mau có được trang thiết bị cơ bản, thiết yếu nhất cho việc học trực tuyến.

Triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh ảnh 2Học sinh Trường Tiểu học Thành Công B đã có thể học trực tuyến với chiếc máy tính mới. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tại Hà Nội, chương trình "Máy tính cho em" đã được ngành giáo dục Thủ đô triển khai trong hai năm qua và đã hỗ trợ được hơn 2.000 máy tính, điện thoại cho học sinh. Ngày 10/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục có văn bản kêu gọi sự ủng hộ cho chương trình này.

[Thủ tướng chỉ đạo triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em]

Do đã triển khai được hai năm nên chương trình "Máy tính cho em" đã được các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường ở Thủ đô triển khai từ rất sớm. Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tao quận Ba Đình, trước năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã đề nghị các trường học trên địa bàn rà soát và đăng ký thông tin về các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và và cần hỗ trợ trang thiết bị. Thống kê cho thấy, có trên 100 học sinh mong muốn được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.

Vì thế, ngày 4/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tổ chức kêu gọi, vận động ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh.

Các nhà trường cũng chủ động tìm nguồn hỗ trợ cho học sinh của mình. Trong ngày 9/9, Trường Tiểu học Thành công B đã cử đại diện đến tận nhà để trao tặng và lắp đặt máy tính cho hai học sinh diện khó khăn của trường.

"Đây là món quà ý nghĩa và kịp thời để các em có thể chủ động trong việc học online khi chưa thể đến trường học trực tiếp. Tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục tìm hiểu và tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em 'tạm dừng đến trường, không dừng học," lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Tìm mọi nguồn hỗ trợ

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội), sau gần một tuần kêu gọi, số tiền hỗ trợ học sinh đã lên đến gần 300 triệu đồng.

“Dự kiến trong tuần này, Phòng sẽ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ sẽ trao 50 bộ máy tính đợt 1 và phấn đấu mỗi tuần có một đợt trao thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn,” ông Lê Đức Thuận cho hay.

Để sử dụng nguồn tài chính của các mạnh thường quân một cách hiệu quả nhất, nhằm giúp đỡ được nhiều học sinh nhất, các sở, phòng giáo dục và đào tạo và các nhà trường còn kết nối với các đơn vị cung ứng thiết bị để được trợ giá. "Ví dụ như Tập đoàn FPT trợ giá cho chúng tôi 30 chiếc máy tính," ông Thuận vui vẻ cho biết.

Triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh ảnh 3Máy tính được Tập đoàn FPT trợ giá cho học sinh quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: CTV)

Không chỉ kêu gọi quyên góp về tài chính, các đơn vị còn kêu gọi quyên góp trang thiết bị thiết yếu như máy tính, điện thoại đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho việc học trực tuyến.

Tại Tây Ninh, ngày 9/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã mở ứng dụng đăng ký tặng và nhận máy tính đã qua sử dụng để giúp học sinh, sinh viên khó khăn trong học trực tuyến.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thiết bị đã qua sử dụng cũng là một trong các giải pháp quan trọng được Sở Giáo dục và Đào tạo tính đến để có thể hỗ trợ được cho hơn 70.000 học sinh đang bị thiếu trang thiết bị. Các máy tính, điện thoại cũ sẽ được các nhà trường tiếp nhận, sửa chữa, cài đặt để học sinh có thể sử dụng cho việc học.

Theo ông Lê Đức Thuận, giải pháp này cũng được Hà Nội triển khai. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tiếp nhận gần 20 thiết bị đã qua sử dụng (laptop, iPad) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho việc học trực tuyến.

“Chúng tôi đã triển khai song song nhiều giải pháp với mục tiêu hướng đến là đảm bảo mọi học sinh đều có thể học trực tuyến, không em nào bị bỏ lại phía sau. Ưu tiên hỗ trợ học sinh trong quận nhưng nếu còn quỹ, chúng tôi sẽ hỗ trợ tiếp các đơn vị bạn,” ông Thuận nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục